Các nhà khoa học đã phát hiện ra hút thuốc gây ung thư như thế nào
VOV.VN - Các nhà khoa học đã chứng minh hút thuốc là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng sự thay đổi trong nhận thức về tác hại của hút thuốc gây ung thư đã diễn ra từ rất lâu thông qua rất nhiều nỗ lực từ các nhà khoa học.
Nỗ lực tìm mỗi liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi
Vào thế kỷ 17, đã có những cảnh báo về tác hại của khói thuốc, nhưng chỉ đến thế kỷ 20, khi số ca ung thư phổi gia tăng, các nghiên cứu mới bắt đầu thu hút sự chú ý.
Trong những năm 1920 đến 1930, sự gia tăng ca bệnh ung thư phổi đã được ghi nhận nhờ vào sự phát triển của dịch tễ học. Nghiên cứu của nhà khoa học Franz Hermann Müller vào năm 1939 đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không thể xác định nguyên nhân trực tiếp.
Đến những năm 1950, nhiều dữ liệu đã củng cố thêm cho mối liên hệ giữa hút thuốc và sức khỏe kém. Các nghiên cứu theo nhóm cho thấy người hút thuốc có kết quả sức khỏe xấu hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng khói thuốc lá có thể gây ung thư.
Vào những năm 1960, các hiệp hội y tế đã kêu gọi Tổng thống Kennedy thành lập Ủy ban Tổng thống để xem xét vấn đề thuốc lá. Vào năm 1964, Tổng Y sĩ Mỹ Luther L. Terry đã công bố một báo cáo mang tính bước ngoặt, khẳng định có mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi. Ở thời điểm đó, hơn một nửa số nam giới và một phần ba phụ nữ Mỹ là người hút thuốc.
Ngày nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính thuốc lá gây ra cái chết cho hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Mặc dù một số quốc gia đã tiến hành cấm thuốc lá nhưng vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện các biện pháp tương tự. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư, và thông tin này tiếp tục được sử dụng để nâng cao nhận thức và khuyến khích mọi người từ bỏ thói quen này.