Đài Loan thống trị nguồn cung chip PC thế giới
VOV.VN - Một khía cạnh quan trọng trong chuyến đi của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan hầu như bị bỏ qua là cuộc gặp của bà với Mark Lui - CEO công ty bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC.
Chuyến đi của bà Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ và ngừng sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc. Chất bán dẫn - còn được gọi là chip máy tính hoặc chip - là phần không thể thiếu đối với tất cả các thiết bị kết nối mạng đã gắn liền với cuộc sống của mọi người, thậm chí cả các ứng dụng quân sự tiên tiến.
Với việc mạng 5G đang được thúc đẩy mở đường cho một thế giới mà mọi loại thiết bị được kết nối (IoT) và thế hệ vũ khí kết nối mạng mới, giới chức Mỹ từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhận ra rằng các công ty bán dẫn của Mỹ, chẳng hạn như Intel, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng ở châu Á để sản xuất các sản phẩm.
Đặc biệt, vị trí của Đài Loan trong thế giới về sản xuất chất bán dẫn hơi giống với vị thế của Saudi Arabia trong OPEC. TSMC chiếm 53% thị phần trên thị trường đúc toàn cầu, mặc dù các nhà máy sản xuất chip được đặt ở các nước khác. Trong khi đó, các nhà sản xuất có trụ sở tại Đài Loan khác chiếm thêm 10% thị trường.
Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng của chính quyền Biden gần đây cũng ghi nhận Mỹ phụ thuộc nhiều vào một công ty duy nhất là TSMC để sản xuất chip tiên tiến hàng đầu. Thực tế là, chỉ có TSMC và Samsung (Hàn Quốc) mới có thể tạo ra các chất bán dẫn tiên tiến nhất (được gọi là 5nm), điều này gây rủi ro cho Mỹ cả hiện tại và tương lai nếu các chất bán dẫn này rơi vào tay đối thủ nếu mục tiêu lâu dài “Một Trung Quốc” nhằm đưa Đài Loan về Trung Quốc trở thành hiện thực. Về cơ bản, chính phủ Mỹ lo ngại một ngày nào đó TSMC có thể nằm trong phạm vi lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát.
Chính vì lý do này, Mỹ đã cố gắng lôi kéo TSMC xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ. Để làm điều này, vào năm 2021, chính quyền ông Joe Biden đã hỗ trợ TSMC trong việc mua một địa điểm ở Arizona để xây dựng một xưởng đúc ở Mỹ, với dự kiến hoàn thiện vào năm 2024.
Mới đây, quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật Chip, nơi họ sẽ cung cấp khoản trợ cấp 52 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Nhưng các công ty sẽ chỉ nhận được tài trợ của Đạo luật Chip nếu họ đồng ý không sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty Trung Quốc. Điều này có nghĩa TSMC và các công ty khác có thể phải lựa chọn giữa kinh doanh ở Trung Quốc hoặc ở Mỹ - quốc gia có chi phí sản xuất được coi là quá cao nếu không có trợ cấp của chính phủ.
Đây là một phần của “cuộc chiến công nghệ” rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Mỹ đang nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và ngăn nước này thực hiện vai trò lãnh đạo công nghệ toàn cầu.
Vào năm 2020, chính quyền ông Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei nhằm loại bỏ công ty này khỏi TSMC trong các hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng 5G. Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng 5G hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ lo ngại tập đoàn này có xuất thân tại Trung Quốc có thể gây ra các rủi ro bảo mật.
Nhìn chung, mục tiêu chính của Mỹ dường như là chấm dứt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hoặc Đài Loan đối với các công nghệ quan trọng, bao gồm các chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho hệ thống 5G, có thể bao gồm các công nghệ tiên tiến khác trong tương lai. Chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan càng chứng tỏ vị trí quan trọng của Đài Loan trong “cuộc chiến công nghệ” mà Mỹ hướng đến./.