Samsung, LG bắt tay "đấu" các đối thủ tivi Trung Quốc
Quyết định sử dụng tấm nền OLED cho tivi từ "kình địch" LG của Samsung khắc họa rõ nét nguy cơ mà các hãng công nghệ Hàn Quốc gặp phải trước đối thủ Trung Quốc.
Tháng 8/2023, Samsung trình làng các mẫu 4K TV cỡ lớn, sử dụng tấm nền OLED trắng của LG Display. Tuy nhiên, điểm nhấn không nằm ở màn hình 83 inch hay các tính năng khác mà chính là cái bắt tay giữa hai “kình địch” của Hàn Quốc.
OLED trắng (hay WOLED) là một loại màn hình bổ sung thêm một điểm ảnh phụ trắng bên cạnh các bộ lọc RGB (đỏ, xanh lá, xanh dương) để tạo ra toàn bộ phổ màu. Màn hình OLED của Panasonic, Sony cũng sử dụng công nghệ này. Trong khi đó, OLED truyền thống mà Samsung hay dùng chứa các điểm ảnh được chia làm ba màu đỏ, xanh lá, xanh dương không có bộ lọc.
Samsung và LG – hai nhà sản xuất TV hàng đầu thế giới – đang trong trận chiến doanh số khốc liệt. Samsung từng chế giễu WOLED không ưu việt bằng OLED truyền thống. Dù vậy, công ty lại gặp khó khăn trong kiểm soát chất lượng tấm nền OLED cỡ lớn cho tivi và không thể nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí, bất chấp chiếm thị phần áp đảo trên thị trường màn hình cỡ nhỏ cho smartphone.
Nikkei nhận định, đối với Samsung, mua tấm nền từ LG đồng nghĩa công khai thừa nhận thất bại công nghệ trước đối thủ. Điều đưa họ xích lại gần nhau chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhà sản xuất linh kiện điện tử Trung Quốc BOE Technology đã trở thành công ty hàng đầu thế giới về màn hình LCD, mảng Samsung rút lui do lợi nhuận suy giảm và LG ngừng sản xuất trong nước. Rất có thể OLED sẽ là mảng tiếp theo.
Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp như BOE, China Star Optoelectronics Technology và Visionox đang tận dụng trợ giá của chính phủ để xây dựng nhà máy tấm nền OLED khổng lồ nhằm giành giật thị trường của đối thủ Hàn Quốc.
Samsung và LG Electronics vẫn nắm giữ thị phần gộp khoảng 45% trên thị trường TV toàn cầu. Nếu cả hai hợp tác trong việc mua sắm tấm nền, lợi nhuận có thể được bảo đảm.
Trong những năm 2000, sự nổi lên của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong ngành công nghiệp màn hình đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản thống trị một thời phải co cụm hoặc rút lui.