Việt Nam cần phân loại dữ liệu số theo cấp độ
VOV.VN - Toạ đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” diễn ra vào sáng 28/12.
Mất an toàn dữ liệu gia tăng thể hiện qua nhiều vụ rao bán thông tin, lột lọt dữ liệu cá nhân đang khiến nhiều người lo ngại có thể gặp phải tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến hơn trên môi trường số. Vậy hướng đi nào giúp bảo vệ an toàn dữ liệu số và quyền riêng tư tốt hơn khi khai thác dữ liệu số trong khu vực Nhà nước? Đây là nội dung được trao đổi trong toạ đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” vừa diễn ra sáng nay (28/12) do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.
Theo ước tính của Hội Truyền thông số Việt Nam, dữ liệu quan trọng cần được đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa lên môi trường số ước tính chiếm khoảng 5% tổng số dữ liệu mà các cơ quan Nhà nước cần lưu trữ, để chia sẻ trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn cho dữ liệu cũng như quyền riêng tư của công dân. Tuy nhiên, do nước ta chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc phân loại dữ liệu số, nên có thể gây ra nhiều vấn đề cản trở đến tính an toàn, cũng như chia sẻ dữ liệu.
Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, Hội Truyền thông số Việt Nam – cho biết: "Việt Nam hiện nay chưa có các quy định cụ thể về mặt phân loại dữ liệu. Nếu mà không phân loại được dữ liệu, thì chúng tôi cho rằng sẽ không mở được dữ liệu bởi vì nó sẽ liên quan đến yếu tố về mặt an ninh an toàn và kể cả là chuyển về mặt chuyển đổi lên điện toán đám mây. Bây giờ điện toán đám mây là một trong những mô hình ưu tiên nhất và các quốc gia đều có chính sách gọi là "Cloud first" - hay là "Ưu tiên cho sử dụng điện toán đám mây". Khi mà chuyển dịch điện toán đám mây như vậy, thì phân loại dữ liệu quan trọng nhất là giúp cho chúng ta lựa chọn được mô hình đám mây như thế nào là phù hợp? Kinh nghiệm phân loại dữ liệu ở các quốc gia đi trước cho thấy là có thể có 3 cấp độ: Cấp độ 1 là các dữ liệu bình thường không quan trọng, Cấp độ thứ 2 là cấp độ về mặt bí mật, Cấp độ thứ 3 là cấp độ đặc biệt quan trọng".
Như vậy, với từng cấp độ quan trọng khác nhau của dữ liệu số, các chuyên gia tham gia toạ đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân” cũng giới thiệu thêm về 3 loại Cloud - Đám mây: "Đám mây riêng", "Đám mây công cộng và "Đám mây hỗn hợp". Tuỳ theo việc phân loại dữ liệu, mỗi quốc gia đều có thể ứng dụng từng loại "Đám mây" phù hợp với việc khai thác, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo an toàn theo cấp độ cho các loại dữ liệu số./.