Công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF do ICDREC phát triển
VOV.VN - Sáng nay 12/8, ICDREC đã báo cáo kết quả và công bố thương mại của dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng".
Dự án này do Đại học Quốc gia chủ trì, ICDREC (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) thực hiện với sự tham gia của nhiều trường Đại học và Học viện Kỹ thuật tại Việt Nam. Đây là dự án Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước, được thực hiện trong 4 năm (2011 - 2015) với tổng kinh phí là 145,7 tỷ đồng. Kinh phí này được góp từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học 124,7 tỷ đồng của bộ Khoa học và Công nghệ, cộng với sự đóng góp 20,9 tỷ đồng của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS).
Công bố thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF do ICDREC phát triển |
Dự án này tập trung nghiên cứu hai loại chip, đó là dòng vi xử lý 32 bit và chip RFID HF và UHF. Trong đó chip RFID HF để gắn vào các loại thẻ thanh toán, kiểm soát ra vào... và chip RFID UHF để gắn lên hàng hóa. Mục đích của dự án này là thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp, chip RFID HF và UHF có khả năng thương mại và tính cạnh tranh cao. Từ chip vi xử lý và chip RFID thiết kế được, dự án cũng thiết kế và sản xuất các loại đầu đọc thẻ RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng RFID.
Ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc ICDREC cho biết: “Từ chip RFID, thiết bị đọc/ghi RFID và phần mềm quản lý, hệ thống của ICDREC đã tự động hóa công đoạn quản lý con người ra vào, bảo vệ tài sản công, thống kê dữ liệu cần thiết để phân tích và nâng cao chất lượng quản lý nhân sự... Hơn nữa, hệ thống có khả năng mở rộng, tích hợp thêm nhiều tính năng hữu ích khác”.
Tại buổi công bố dự án có Shoei - một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và VietNet - một doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng phối hợp phát triển sản phẩm và thương mại dựa trên các kết quả nghiên cứu của ICDREC và CNS.
Công nghệ RFID
RFID (radio frequency identification) là công nghệ định danh bằng sóng vô tuyến, được phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới trong những năm gần đây nhằm thay thế các công nghệ định danh cũ như mã vạch, băng từ... vốn không có tính năng mã hóa bảo vệ dữ liệu người dùng. Các con chip RFID HF có khả năng chứa và mã hóa những thông tin cần thiết dưới dạng số. Những dữ liệu này được lưu trữ và truy xuất sử dụng năng lượng từ chính các thiết bị đọc/ghi mà không cần phải cấp nguồn riêng cho chip nên thường sẽ có dạng rất gọn nhẹ như thẻ, vòng tay... để tạo thuận tiện cho người sử dụng.
Một hệ thống ứng dụng công nghệ RFID bao gồm 3 tầng:
- Chip/thẻ: chứa thông tin về ứng dụng và người dùng.
- Thiết bị đọc/ghi: tương tác và xử lý dữ liệu trên chip.
- Hạ tầng mạng và giải pháp phần mềm.
Những ứng dụng tiêu biểu hiện nay của công nghệ RFID: quản lý vào/ra, điểm danh, quản lý hàng hóa, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, thẻ căn cước, bằng lái xe, hộ chiếu, thanh toán siêu tốc, khóa cửa, thang máy, giữ xe, quản lý hành lý ký gửi bằng đường hàng không… Theo số liệu thống kê của các chuyên gia trong lĩnh vực RFID, giá trị của thị trường sử dụng chip RFID trên toàn cầu khoảng 9 tỷ đô-la Mỹ và sẽ tăng lên mức trên 27 tỷ đô-la Mỹ trong vài năm tới do nhu cầu tăng không ngừng của nhóm sản phẩm này trong đời sống.