Intel khai tử chu kỳ tick-tock
VOV.VN - Một tài liệu có tên mã K-10 của Intel cho thấy hãng đang sẵn sàng phá vỡ chu kỳ thiết kế chip tick-tock mà họ đã duy trì trong thập kỷ qua.
Tài liệu được phát hiện bởi trang The Motley Fool cho thấy công ty sẽ thay đổi chu kỳ tick-tock bằng một chu kỳ mới chậm hơn có tên process-architecture-optimization (PAO) cho hoạt động sản xuất chip 10 nm sắp tới.
Intel muốn làm chậm chu kỳ phát triển chip của mình so với tick-tock trước đây
Tick-tock là chu kỳ sản xuất chip được Intel tập trung vào phát triển và rất thành công khi đi từ 22 nm xuống 14 nm. Có điều, do nhiều khó khăn trong việc thu gọn hơn nữa nên công ty cần một chu kỳ như PAO để có thêm thời gian nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ chip của mình.
Được biết, trong năm "tick", Intel sẽ nâng cấp công nghệ sản xuất chip của mình với mạch nhỏ hơn, ví dụ từ 22 nm xuống 14 nm. Còn trong năm "tock", hãng sẽ sử dụng kích thước mạch và kỹ thuật sản xuất khác nhau, nhưng nâng cấp để chip nhanh hơn và tiết kiệm điện năng hơn.
Trước đó, Intel đã dời lịch di chuyển từ 14 nm sang 10 nm trong phạm vi 2,5 năm nhằm sản xuất 3 đời chip 14 nm khác nhau. Với PAO kéo dài trong 3 năm, tốc độ đổi mới được làm chậm hơn sẽ giúp người dùng không cần phải nhanh chóng nâng cấp cấu hình hệ thống như trước đây nữa.
Chu kỳ chip tick-tock hiện nay sẽ được thay bằng process-architecture-optimization |
Trong tài liệu, Intel nói rằng hãng sẽ tiếp tục sử dụng kiến trúc 14 nm và thực hiện tối ưu hóa sản phẩm chip 10 nm trong tương lai, từ đó sẵn sàng áp dụng quy trình công nghệ vào hoạt động sản xuất chip trong thời gian sớm nhất có thể.