Không muốn đi sau Trung Quốc, các ông lớn Mỹ tham gia liên minh 6G
VOV.VN - Sau khi mạng 5G bắt đầu được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, một số nhà sản xuất hàng đầu đã thành lập một nhóm riêng để nghiên cứu mạng 6G.
Với 6G, không bất ngờ khi Mỹ và Trung Quốc sẽ là hai quốc gia cạnh tranh nhau. Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã bắt đầu gửi một vệ tinh vào không gian để kiểm tra tín hiệu 6G - mạng được kỳ vọng sẽ nhanh hơn 5G từ 100 đến 500 lần. Tuy nhiên đừng mong đợi 6G sẽ sớm triển khai khi chúng ta có thể cần phải chờ một thập kỷ nữa.
Được biết, Trung Quốc là một trong những quốc gia có công ty phát hành thiết bị 5G sớm nhất thị trường, còn Google hay Apple chỉ mới phát hành thiết bị 5G gần đây. Chính vì vậy, cả hai gã khổng lồ công nghệ của Mỹ sẽ không muốn trở thành kẻ đi sau một lần nữa khi 6G được triển khai. Đó là lý do tại sao hai công ty gần đây đã tham gia "Next G Alliance", một nhóm thương mại Bắc Mỹ sẽ tổ chức hội nghị đầu tiên vào tuần tới. Next G Alliance sẽ được điều hành bởi một hiệp hội thương mại Bắc Mỹ mang tên ATIS (Liên minh Giải pháp Công nghiệp Viễn thông).
ATIS trước đây đã làm việc về chuỗi cung ứng an toàn, thiết bị trợ thính, cuộc gọi điện từ người máy và hơn thế nữa. Mục tiêu chính của nhóm này là “nâng cao vị thế dẫn đầu công nghệ di động của Bắc Mỹ trong 6G và hơn thế nữa trong thập kỷ tới, đồng thời xây dựng dựa trên sự phát triển lâu dài của 5G”. Ngoài Apple và Google, nhóm này còn có sự góp mặt của các ông lớn khác như Charter Communications, Cisco, Hewlett Packard Enterprise, Intel, Keysight Technologies, LG Electronics, Mavenir, MITER và VMware.
Trong một ấn phẩm đầu năm nay, Next G Alliance đã viết: "Trong khi thế giới đang khám phá những cơ hội soi đường cho 6G, Mỹ phải có hành động kịp thời và quan trọng để đảm bảo vị trí dẫn đầu trong đổi mới và phát triển 6G".
CEO ATIS Susan Miller cho biết thêm, các mô hình lãnh đạo cũ sẽ không còn tác dụng trong tương lai. Nếu Mỹ thực sự muốn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, họ sẽ phải hành động theo một cách mới.
Với tình hình chính trị ở Mỹ hiện nay, tình hình có thể thay đổi nhưng không nhất thiết có nghĩa là mang đến sự tích cực đối với Trung Quốc. Bất kể ông Donald Trump hay Joe Biden làm Tổng thống Mỹ, họ đều muốn Mỹ đi trước Trung Quốc về công nghệ chính./.