Tài khoản Facebook “bốc hơi” – Giới hạn của phép tắc cộng đồng
VOV.VN - Đêm 17/8 vừa qua, làng Facebook Việt ngỡ ngàng khi hàng loạt facebooker bị khóa tài khoản cá nhân-hội nhóm mình quản trị. Ngỡ ngàng giây lát, lời giải chẳng phải tìm kiếm lâu-xa. Nguyên nhân được chỉ ra là “chấm”, “hóng”, “like”, “share” những điều phản cảm.
Môi trường ẩn, ảo chưa bao giờ phổ biến như thời này. Facebook là ví dụ điển hình, được đóng đinh chữ “ảo”. Nhưng khi “thế giới ảo” làm đảo lộn những giá trị, quy phạm đạo đức thực, thì dù có lẩn khuất thế nào cũng chẳng yên. Đó là giới hạn của phép tắc cộng đồng!
Tổng thống Venezuela từng bị khóa tài khoản 1 tháng. Trước đó ông đăng tải dòng trạng thái được cho là “quảng bá thái quá tác dụng của 1 sản phẩm chưa được kiểm chứng cho mục đích phòng, chống Covid19”.
Nhiều cơ quan báo chí, cơ quan y tế, cơ quan dịch vụ khẩn cấp của Australia từng bị chặn tất cả các dòng trạng thái, vì Facebook cho rằng, nhiều thông tin từ cộng đồng lợi ích tương tự lại chẳng được trả khoản thù lao nào.
Gần đây nhất, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận thông báo “Tài khoản bị khóa tới tận năm 2023”. Quyết định đưa ra từ tháng 1/2021, sau vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ - những phát ngôn của ông Trump lúc đó được cho là “kích động bạo lực”. Thời điểm nắm giữ quyền lực cao nhất đất nước cờ hoa, ông Trump cũng không xử lý được vấn đề – không thể mở khóa tài khoản, vì những nguyên tắc do “ông trùm làng Face” và các cộng sự định sẵn.
Mark Zuckerberg nói: "Facebook ủng hộ những nguyên tắc cơ bản giúp đảm bảo tiếng nói của tất cả mọi người cũng như các cơ hội kinh tế, giữ cho mọi người được an toàn, cũng như duy trì quyền tự do ngôn luận, bỏ phiếu. Facebook có những giá trị cơ bản cho hầu hết chúng ta".
Nói vậy để thấy, chuyện hàng loạt facebooker bị khóa tài khoản cá nhân-hội nhóm mình quản trị chỉ sau tích tắc rà soát cái sự “chấm”, “hóng”, “like”, “share” 1 clip không phải chuyện gì khó và to tát, đặc biệt lại là like, share clip được xếp vào diện văn hóa phẩm đồi trụy.
Nói như Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý và Luật sư Đặng Văn Cường thì “việc bị xử lý chỉ là sớm hay muộn mà thôi”: "Chạy theo những video phản cảm, phản giáo dục, hại trẻ em… thì chính họ đang ‘đào hố dưới chân mình', hậu quả gây ra cho xã hội cực kỳ nghiêm trọng. Sớm hay muộn, họ sẽ bị xử lý, thậm chí đối mặt trước pháp luật.
Tôi nghĩ việc khóa tài khoản như vậy là cần thiết. Đó không chỉ là điều khoản Facebook đưa ra mà trên cơ sở pháp luật Quốc gia nhà công nghệ này ra đời và đăng ký hoạt động. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm sản xuất, truyền bá, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy. Cho nên việc áp dụng biện pháp cứng rắn như vậy cho thấy họ đang giữ gìn uy tín và tôn trọng các tiêu chuẩn cộng đồng".
Nhìn nhận sâu ra hơn về lời tuyên bố lẫn hành động của ông Mark Zuckerberg, chuyên gia an sinh xã hội Mạc Văn Tiến khẳng định, “chẳng ai có thể bất đồng, dù về bản chất facebook, twitter, youtube hay tiktok hiện hành, đều là hoạt động kinh doanh – là 1 doanh nghiệp và chủ nhân là doanh nhân”.
Có nghĩa, hiểu theo cách thông thường, từng tài khoản đang xanh mỗi ngày chính là 1 khách hàng, đang làm giầu cho doanh nhân-doanh nghiệp này. Nhưng họ đã không bất chấp đề cao lời lãi lên trên lợi ích, phép tắc cộng đồng, mà cố gắng tạo dựng, gìn giữ những giá trị cơ bản-giá trị chung cho tất cả. Đó là đạo đức, trách nhiệm, cũng đồng thời là cách thức khôn ngoan của 1 doanh nghiệp muốn tồn tại-phát triển lâu bền, bên cộng đồng. Ngược lại, với khách hàng-người chơi, hành động, lời nói trên môi trường ảo, thể hiện phần nào phông văn hóa, bản chất con người thực.
"Trên phương tiện giao tiếp cộng đồng, ứng xử là phải có văn hóa, có bản lĩnh chứ không phải gì cũng share hàng tôm, hàng cá được đặc biệt là vấn đề nhạy cảm với trẻ em. Nói dễ, còn phụ thuộc vào phông văn hóa. Tâm không trong sáng, a dua hoặc bị kích động thể hiện phông văn hóa kém-sẽ bị thanh lọc" - ông Mạc Văn Tiến cho biết.
Công bằng mà nói, rất nhiều công ty công nghệ như Google, Facebook, Twitter, Youtube hay Tiktok… đều đang sử dụng thuật toán máy học, trí tuệ nhân tạo… để vận hành hệ thống của mình. Có nghĩa, hành động khóa đồng thời các tài khoản Facebook vừa qua có thể do hệ thống tự động nhận diện xử lý, cho nên mới kèm theo “cửa thoát” cho các ông-bà chủ tài khoản là “kháng nghị trong 30 ngày".
Nhưng xem ra với những nguyên tắc đã định sẵn, cửa này khó thoát.
Cũng không ngoại trừ trường hợp đây là hành động có ý thức của rất nhiều tài khoản khác trong cộng đồng - nếu họ cùng ấn vào mục báo cáo sai phạm.
Điều này, chỉ “ông trùm làng Face” và cộng sự mới xác định được… Dù là máy học hay con người thì cũng đều cho thấy hành động khóa tài khoản vừa rồi là một giải pháp thanh lọc và tự thanh lọc đối với nhiều tài khoản, cá nhân vi phạm-không còn phù hợp với đa số.
Đó là giới hạn của phép tắc cộng đồng. Chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ!
Chuyện tưởng nhỏ, lại không hề nhỏ. Dù có đang được đóng đinh là môi trường ảo thì giải pháp vừa rồi của Facebook hay hành động tương tự sắp tới của các trang mạng xã hội khác, đối với những cá nhân vi phạm, chắc chắn đều sẽ được ủng hộ.
Phá vỡ nguyên tắc cộng động - dùng “thế giới ảo” làm đảo lộn những giá trị, quy phạm đạo đức thực thì cần được và sẽ bị thanh lọc. Chắc chắc đó là giải pháp tốt để phương tiện giao tiếp công cộng này giữ được giá trị bản chất – là nơi tập hợp những con người, lời nói, đi đến hành động hiểu biết pháp luật và ích lợi cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn này./.