Trạm vũ trụ Thiên Hà 2 lần tránh va chạm với vệ tinh Starlink
VOV.VN - Thông qua Liên Hợp quốc (LHQ), các nhà chức trách Trung Quốc đã đề nghị Mỹ có tác động đến chương trình không gian SpaceX của Elon Musk.
Giới chức Trung Quốc nói rằng do mối đe dọa va chạm với vệ tinh Starlink của SpaceX, trạm vũ trụ Thiên Hà của nước này đã phải dùng đến lệnh khẩn cấp nhằm tránh va chạm 2 lần trong năm 2021. Theo Bắc Kinh, sự cố diễn ra vào tháng 7 và tháng 10.
Trong nội dung đệ trình lên Ủy ban LHQ về Sử dụng Không gian Ngoài vũ trụ vào đầu tháng 12, Trung Quốc nói thêm rằng các quốc gia thành viên của Hiệp ước Không gian Ngoài vũ trụ phải “chịu trách nhiệm quốc tế” đối với các hoạt động quốc gia được thực hiện bởi cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Nhà vật lý thiên văn của Harvard Smithsonian, Jonathan McDowell, lưu ý rằng việc Trung Quốc gửi đơn khiếu nại thông qua một bản tin là cực kỳ bất thường. Theo ông, các vụ va chạm trong không gian không phải là hiếm, nhưng những năm gần đây số lượng sự cố tăng lên do số lượng lớn các vụ phóng tàu vũ trụ. Mặc dù hầu hết các vụ phóng bắt nguồn từ Starlink nhưng ông McDowell nói thêm rằng Trung Quốc cũng là một quốc gia gây ra ô nhiễm không gian, mà đáng kể nhất là các mảnh vỡ ngoài không gian từ vụ thử hệ thống phòng thủ chống vệ tinh do Trung Quốc thực hiện vào năm 2007.
Ông McDowell cho biết: “Công bằng mà nói, trạm vũ trụ của Mỹ đã phải né các mảnh vỡ của các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh quân sự vào năm 2007 của Trung Quốc nhiều lần trong 10 năm qua”.
SpaceX đã nhận được sự cho phép của FCC (Mỹ) để phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo, và hiện tại công ty của Elon Musk đã phóng hơn 1.600 vệ tinh Starlink vào không gian. Vào cuối tháng 11, Elon Musk đã viết một tweet rằng một số vệ tinh Starlink đã phải chuyển hướng để thoát khỏi rác thải không gian do các tên lửa chống vệ tinh của Nga gây ra./.