Xây dựng Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển AI
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.
Chiến lược cũng được kỳ vọng tạo ra cú hích cho sự phát triển AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển AI trong ASEAN và trên thế giới
Nhóm đầu các nước về AI
Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy mong muốn Việt Nam sẽ đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đến năm 2030 Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Đặc biệt là hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; trong đó có ít nhất 1 trung tâm nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN…
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối với các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế-xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực AI.
Trước mắt, để thực hiện chiến lược, cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, cơ sở dữ liệu cần xây dựng đồng bộ với hạ tầng tính toán, các máy tính có khả năng tính toán lớn cũng như đào tạo các kỹ thuật viên, để có thể xử lý các bài toán dữ liệu lớn.
Đồng thời, triển khai từng bước cụ thể, từ làm rõ các khái niệm đến cách thức tính toán lớn của Việt Nam, cũng như chia sẻ những hạ tầng tính toán một cách hợp lý, hiệu quả nhất.
Điểm sáng về AI
Nếu như trước đây, AI được xếp là một ngành khoa học hàn lâm, dành cho những nhà toán học và công nghệ thông tin xuất sắc, thường tách biệt với người dân, chưa có nhiều ứng dụng thì gần đây, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, công nghệ điện toán đám mây, Deep Learning.
AI đã gần hơn với cuộc sống hơn, tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống.
Đặc biệt, trong diễn biến dịch COVID-19, sau gần hai năm dịch COVID-19 bùng phát, công nghệ trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đã trở thành điểm sáng đối với thế giới.
AI đã đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng, chống dịch thông qua các ứng dụng truy vết, bản đồ dịch.... nếu được quan tâm phát triển, AI có thể chứng minh hiệu quả lớn hơn nữa.
Việc ứng dụng AI trong việc truy vết người tiếp xúc đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ.
Ðặc biệt, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập liệu từ các bản khai giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, AI đã hiện hữu ngay trong các khu cách ly, bệnh viện với robot tự động giúp khử khuẩn, giao hàng, đưa thuốc cho người bệnh.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức ra mắt Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp.
Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị hoạt động AI trong nước và thế giới để triển khai các nghiên cứu cơ bản, tạo ra các công nghệ lõi "make in Vietnam."
Trung tâm cũng chú trọng phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI là một phần của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI-một trong những nhà khoa học người Việt có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực AI cho biết: Môi trường số đang tạo ra cơ hội vô giá, "cơ hội cuối cùng" để đất nước phát triển, làm chủ được các công nghệ quan trọng trong đó có AI.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, trước đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trung tâm nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ.
Đồng thời, quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu phục vụ phát triển các ý tưởng công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế đặc thù, từ đó thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Trung tâm cũng góp phần thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, trên cơ sở phát huy vai trò quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, để đến năm 2030 Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới./.