Trò chơi của chàng trai Việt hứa hẹn “soán ngôi” Sudoku
Bar Code được Lại Văn Đức Thịnh ở Khánh Hòa phát minh có thể là sẽ trò chơi gây sốt tiếp theo trên toàn cầu.
Gần đây, biên tập viên mảng trò chơi ô chữ và giải đố của báo New York Times (NYT) là Will Shortz vừa có một bài giới thiệu về một trò chơi mới mà ông quyết định đưa vào báo NYT, có tên là Bar Code.
Theo Shortz cho biết, “kể từ cơn sốt Sudoku hồi những năm 2005-2006, mọi người đã hỏi tôi xem là trò chơi gây sốt tiếp theo sẽ là gì”.
Theo Shortz, trò Bar Code được phát minh bởi chàng trai 28 tuổi Lại Văn Đức Thịnh đến từ phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ có thể là trò chơi gây sốt tiếp theo trên toàn cầu.
Trò chơi Bar Code của Lại Văn Đức Thịnh sẽ có thể là trò chơi gây sốt tiếp theo trên toàn cầu. |
Theo Shortz miêu tả, Bar Code là một trò chơi giải đố logic tương tự như sudoku hay KenKen, nhưng có cách giải hoàn toàn khác. Trò này cũng có hướng dẫn rất đơn giản, với một bảng 6x6 có ghi các số ở đầu các cột và các hàng.
Người chơi có nhiệm vụ kẻ các đường thẳng có chiều dài bằng 1 vào, sao cho mỗi hàng hay cột có con số đường thẳng bằng với số ghi ở đầu hàng/cột đó. Và điểm khó ở đây chính là ở chỗ làm sao để tất cả các đường thẳng này không được phép chạm vào nhau.
Kể về Đức Thịnh, Shortz chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hiểu được điều gì thôi thúc con người ta trở nên đam mê các trò chơi giải đố. Sự đam mê này không phụ thuộc vào quốc tịch hay sắc tộc”.
Theo Shortz cho biết, Thịnh đã phát hiện trò chơi sudoku trong lúc anh đi hiệu sách, và trở nên đam mê trò này tới nỗi mua một lúc 4 cuốn sách về để giải. Sau đó, lúc học đại học, Thịnh có thấy một tờ báo treo giải thưởng 100.000 đồng để giải một bài sudoku cực khó. Anh đã thức đến tận 4h sáng để giải bài này, và giành được giải thưởng.
Trong vài năm qua, Thịnh đã không ngừng nghĩ ra những trò chơi giải đố mới. Anh đã tự xuất bản hàng chục cuốn sách về giải đố trên Amazon, nhưng theo Thịnh cho biết thì trình độ của anh giờ đây đã cao hơn rất nhiều. Thịnh rất đam mê các trò giải đố kiểu Nhật như sudoku, kakuro và futoshiki, cũng như đã tự tạo ra hàng chục biến thể của các trò chơi này.
Vào năm 2012, một người tên là Lại Văn Đức Thịnh từng công bố kế hoạch thành lập một tờ tạp chí tập hợp các trò chơi về toán và giải đố, mang tên Magic Maths Magazine, trên diễn đàn Mathscope dành cho những người yêu toán học tại Việt Nam.
Vào năm 2013, Lại Văn Đức Thịnh cũng từng công bố kế hoạch thành lập một công ty đồ chơi và tìm kiếm người hợp tác trên diễn đàn khoisukinhdoanh.net.
Theo Shortz, “việc xuất bản Bar Code trên báo NYT có thể là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời Thịnh. Cậu ấy vẫn đang sống ở nhà bố mẹ, vốn là những nông dân trồng mía đường. Số tiền cậu ấy kiếm được từ 14 số báo NYT có đăng trò Bar Code sẽ nhiều hơn thu nhập cả năm của gia đình Thịnh”.
Shortz cũng cho biết Thịnh đang có kế hoạch tham dự giải vô địch toàn cầu về giải đố vào mùa thu này ở thành phố Bengaluru (Ấn Độ) để gặp gỡ những người khác có cùng đam mê, điều mà trước đây Thịnh chưa từng có cơ hội. Thịnh cũng đang nuôi giấc mơ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thiết kế trò chơi giải đố.
Theo bình luận của Shortz, với trò chơi Bar Code, “Thịnh đã có một khởi đầu khá rực rỡ”./.