Tỷ phú Elon Musk muốn hợp nhất trí tuệ nhân tạo với trí não con người

VOV.VN - Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với việc phát triển những sáng chế mang tính đột phá, vốn chỉ nằm trong phòng thí nghiệm hay phim khoa học viễn tưởng.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp Neuralink của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk vừa công bố kết quả thử nghiệm ban đầu việc cấy chip vào não của lợn. Thực chất, mục đích cuối cùng của nghiên cứu này là tìm ra phương án cấy chip vào não người nhằm hỗ trợ những người bị một số loại bệnh về thần kinh như mất trí nhớ, mù lòa và tê liệt dạng Alzheimer, Parkinson.

Musk mô tả ca phẫu thuật lắp thiết bị Neuralink chỉ mất chưa đầy một giờ. (Ảnh: Neuralink)

Mục tiêu của doanh nghiệp khoa học thần kinh Neuralink là cấy con chip kết nối không dây giữa não người với máy tính. Giao thức này bao gồm hàng ngàn điện cực nằm trong não, cơ quan phức tạp nhất của cơ thể con người, nhằm hỗ trợ những người mắc các bệnh thần kinh như Alzheimer, sa sút trí tuệ, tổn thương tủy sống và cuối cùng là hợp nhất trí tuệ nhân tạo với trí não con người.

Robot sẽ thực hiện phẫu thuật cấy chip, là những sợi nhỏ hơn sợi tóc. Chip được cấy vào phần não bộ phụ trách hoạt động và cảm giác. Người được cấy chip trong trạng thái gây mê cục bộ.

PGS. TS Jason Shepherd (khoa Khoa học về Thần kinh tại Đại học Utah) cho rằng, về cơ bản, những gì Neuralink đã làm là gói mọi thứ thành một thiết bị nhỏ, sau đó gửi dữ liệu không dây. Hệ thống của Neuralink được xây dựng dựa trên sự kế thừa kết quả mà các nhà khoa học thần kinh và kỹ thuật sinh học đã làm trong nhiều thập kỷ qua, chẳng hạn, cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ ra mắt gần đây.

Con chip kết nối không dây giữa não người với máy tính. (Ảnh: Neuralink)

Một số nhà khoa học khác ấn tượng về cỗ máy dùng để phẫu thuật và đưa hệ thống của Neuralink vào não. "Công việc cấy chip vào não rất phức tạp. Khó có thể tìm được một bàn tay bác sĩ nào đủ vững vàng để làm những việc này", Andrew Hires, Phó giáo sư khoa Khoa học về Thần kinh tại Đại học California, chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh, Neuralink và bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực này sẽ có những thách thức lớn cần vượt qua.

Chad Bouton, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật tiên tiến của Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein, trả lời CNBC cho hay, có những lo ngại về an toàn đối với bất kỳ loại công nghệ xâm lấn nào, bao gồm cả khả năng nhiễm trùng với thiết bị cấy ghép.

Bouton hy vọng rằng nhóm của Musk, sẽ tập trung vào những người có nhu cầu lớn nhất về công nghệ này, là những người khuyết tật nặng. Ông cũng nói rằng loại công nghệ này sẽ không được thông qua chính thống sử dụng trong hơn 10 năm tới.

“Có những vấn đề về đạo đức và an toàn phải giải quyết, và sẽ phải mất một thời gian dài để nhu cầu y tế thực sự có thể tiếp cận công nghệ này,” ông Bouton nói.

Con chip được cho là sẽ cấy vào đầu bệnh nhân giúp kiểm soát chuyển động cơ thể. (Ảnh: Neuralink)

Ngay tỷ phú Musk cũng phải thừa nhận các rào cản về bảo mật, quyền riêng tư, chính trị, pháp lý và đạo đức khi cấy chip vào não dù với bất cứ mục tiêu gì.

“Việc cấy chip vào đầu của ai đó để đọc dữ liệu não thô của họ, cho phép họ kiểm soát các chuyển động cơ thể, thị giác, khứu giác hoặc thính giác thông qua ứng dụng di động... có thể là sai luật”, Musk nói.

Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với việc chiêu mộ các chuyên gia đa ngành nghề vào cùng một dự án để phát triển những sáng chế mang tính đột phá vốn vẫn nằm trong các phòng thí nghiệm hay chỉ xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên