Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam đã sẵn sàng phóng lên quỹ đạo
VOV.VN - LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất cho điều khiển và vận hành vệ tinh cũng đã sẵn sàng.
Công nghệ vũ trụ được coi là biểu tượng sức mạnh công nghệ của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ, chủ quyền quốc gia không chỉ là vùng đất, vùng biển, vùng trời mà còn được khẳng định trên không gian mạng và không gian vũ trụ. Và với xu thế phát triển của khoa học hiện nay, công nghệ vũ trụ được xác định là một trong những công nghệ ưu tiên cần phát triển và Việt Nam cũng nằm trong xu thế này. LOTUSat-1, vệ tinh quan sát Trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam đã chế tạo xong, hệ thống mặt đất cho điều khiển và vận hành vệ tinh cũng đã sẵn sàng.
Vệ tinh LOTUSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất với khả năng chụp ảnh độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm bằng công nghệ cảm biến radar khẩu độ tổng hợp. Vệ tinh có khối lượng khoảng 570kg. Đây là vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), được khởi động từ năm 2021. Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
PGS.TS Trần Tuấn Anh- Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nói: "Vệ tinh LOTUSat-1 sắp tới được phóng là hợp tác chặt chẽ với JAXA của Nhật Bản. Song song với việc hợp tác với họ chúng ta cũng tự chủ năng lực của mình, thì thời gian qua Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, đã chế tạo PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon- đây là những vệ tinh cỡ nhỏ. Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHCN VN đã trình Chính phủ phê duyệt và giao cho Viện Hàn lâm xây dựng lộ trình để chế tạo các chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, để từng bước tự chủ trong công nghệ vũ trụ".
Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao xấp xỉ 500 km, và có thể phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất. Thời gian hoạt động của vệ tinh trên quỹ đạo là khoảng hơn 5 năm.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, vệ tinh đã được chế tạo xong, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ cho vận hành vệ tinh cũng đã được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) để sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh: "Khi phóng lên thì việc điều kiển vệ tinh này sẽ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tự chủ, ảnh sẽ được thu nhận, xử lý tại Việt Nam để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng".
Trước đó, để từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 2 vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon và MicroDragon, cùng 1 vệ tinh nhỏ là NanoDragon.
Đầu tháng 8/2013, PicoDragon- chú Rồng nhỏ của Việt Nam có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, nặng 1kg đã được phóng thành công lên không gian. Sau 3 tháng lưu giữ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, PicoDragon đã được đưa vào quỹ đạo ngày 19/10/2013. Sau đó, trạm mặt đất tại Việt Nam và các nơi trên thế giới cũng đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc. Đây có thể coi là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian.
Sau vệ tinh PicoDragon, Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon với khối lượng 50 kg tại Nhật Bản. Tại đây, 36 kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được cử đến 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sỹ công nghệ vũ trụ, đồng thời tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Đúng 7h50 phút giờ Nhật Bản (tức 8h55 phút giờ Việt Nam) ngày 18/1/2019, tên lửa đẩy Epsilon của Nhật Bản đã đưa vệ tinh MicroDragon của Việt Nam cùng 6 vệ tinh khác của Nhật bay lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Uchinoura. Khoảng 1 tiếng sau khi được phóng lên, MicroDragon đã tách khỏi tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. MicroDragon là vệ tinh được phát triển hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ chụp ảnh vùng biển ven bờ của Việt Nam. Các ảnh vệ tinh thu được giúp các nhà khoa học phân tích chất lượng nước, phục vụ ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản...
Tiếp nối vệ tinh MicroDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã nghiên cứu phát triển vệ tinh lớp nano dạng cubesat 3U có tên NanoDragon nặng khoảng 4 kg. Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính đó là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để phục vụ quá trình xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo và tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Ngày 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon đã được phóng thành công lên quỹ đạo bởi tên lửa Epsilon 5 từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng cho biết, sau LOTUSat-1, Việt Nam sẽ phát triển và chế tạo vệ tinh LOTUSat-2. Việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt thực hiện, đánh dấu bước ngoặt trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ. Sau LOTUSat-2, Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công nghệ vệ tinh.
Ông Đàm Bạch Dương- Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và công nghệ) nhấn mạnh: "Vệ tinh, vũ trụ là những cái cao nhất, cao cả về mặt vật lý cũng như câu chuyện ý nghĩa của nó. Bộ KHCN đã trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ trong giai đoạn tới và có cách tiếp cận phù hợp với nguồn lực Việt Nam, giao nhiệm vụ cho rất nhiều bộ ngành. Về góc độ nghiên cứu hiện đã bắt đầu chạy chương trình KHCN nghiên cứu về vũ trụ và trong năm 2024 đâu đó đã có 15 nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó bao gồm cả về viễn thám và về nghiên cứu vệ tinh".
Theo ước tính, mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta là khoảng 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD, chưa kể những thiệt hại to lớn về con người. Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giúp giảm tới 5 - 10 % tổng thiệt hại do thiên tai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu Việt Nam tận dụng dữ liệu vệ tinh thì có thể tiết kiệm đến 300 triệu USD/năm thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh cũng giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nguồn ảnh nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến bất ngờ.