Xây dựng hạ tầng số - cuộc chạy đua nước rút cần làm ngay
VOV.VN - Xây dựng hạ tầng số phục vụ cho Chính phủ điện tử và Kinh tế số đã trở thành cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là chạy marathon.
Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Viện John von Neuman (Đại học Quốc gia TPHCM), hạ tầng số giống như nền móng của công trình Chính phủ điện tử - Kinh tế số. Nền móng phải chắc chắn và làm đúng thì mới xây dựng được hay cách khác muốn xây dựng được kinh tế số, chính phủ số thì bắt buộc phải có hạ tầng số tốt.
Hạ tầng số là nền móng của công trình Chính phủ điện tử - Kinh tế số. (Ảnh minh họa: KT). |
"Thế nhưng, tại Việt Nam hạ tầng số chưa được đánh giá đúng cũng như nhận thức đầy đủ như hạ tầng vật lý. Bên cạnh đó, dữ liệu quốc gia, địa phương... so với quy định pháp luật còn thiếu chất lượng, việc chia sẻ còn hạn chế; Thiếu hành lang pháp lý, nhân lực số cả diện rộng lẫn diện tinh nhuệ, tinh hoa...", Giáo sư Hồ Tú Bảo cho hay.
Dữ liệu của mỗi bộ ngành đều tăng dần qua mỗi năm tuy nhiên không có sự kết nối, chia sẻ nên chưa tận dụng được để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Điều này là sự lãng phí rất lớn.
Giáo sư Hồ Tú Bảo cho rằng, ví như muốn dự báo nhu cầu nhân lực, nghề nghiệp, quy mô lao động ngành nghề ra sao không thể dựa vào dữ liệu của một mình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để ra được một dự báo này đòi hỏi dữ liệu từ nhiều bộ, ngành.
"Để làm hạ tầng số, Việt Nam cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa, quyết tâm cao, cách làm hiệu quả như kết nối liên thông nhưng phải kèm với chia sẻ dữ liệu. Để thực hiện chia sẻ dữ liệu thì phải có luật. Cùng với đó, cần sớm có chuẩn cơ sở để hạ tầng số thực hiện được và không làm sai dẫn đến phải sửa lại mất thời gian, tiền bạc", Giáo sư Hồ Tú Bảo phân tích.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, phải rà soát cẩn thận hành lang pháp lý. Cần có một cuộc cách mạng về tư duy thiết kế chính sách. Theo đó, muốn số hóa quy trình thì chính sách phải cụ thể.
"Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là chạy marathon. Bởi lẽ, điều này quyết định đến sự thành công của Chính phủ điện tử, nền kinh tế số hay nói cách khác Việt Nam có muốn bắt kịp con tàu 4.0 hay không, điều kiện tiên quyết là hạ tầng số", ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.
Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số đối với Việt Nam đang là cuộc chạy đua nước rút. (Ảnh minh họa: KT). |
Hướng tới đây muốn làm sao để chia sẻ, kết nối được dữ liệu, tạo điều kiện cho nhiều chủ thể tiếp cận được kho dữ liệu tập chung của bộ, ngành, đơn vị công và kho dữ liệu khác trong quá trình quản lý nhà nước tạo lập ra là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cương cũng nêu câu hỏi có cần thiết xây dựng một luật mới cho việc này không?
Ông Cương cho biết, Bộ Tư pháp đã rà soát và nhận thấy hầu hết các quy định về quản lý cơ sở dữ liệu của Việt Nam hiện nay đều chịu sự điều chỉnh của các Nghị định của Chính phủ. Vì thế, cần rà soát lại kỹ càng để xem vì sao những quy định đó lại cản trở việc kết nối, liên thông dữ liệu.
Hiện nay, khúc mắc chủ yếu ở tầm Nghị định, như vậy, Chính phủ nên có chỉ đạo để hoàn thiện pháp lý ở tầm Nghị định trước. Ông Cương nêu ý kiến, "về lâu dài, nếu mắc ở tầm luật thì mới sửa luật. Theo quan điểm của tôi không nên sửa luật do công việc này đòi hỏi rất tốn thời gian trong khi điều kiện hiện nay của chúng ta như vậy sẽ bất lợi"./. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Chính phủ điện tử, đã đến lúc phải làm ngay“
Thiếu dữ liệu quốc gia, dựa vào đâu để xây dựng Chính phủ điện tử?