Đẻ thuê có phạm tội mua bán người?
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, đẻ thuê đã đủ để cấu thành tội mua bán trẻ em, trong đó, người đẻ thuê vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.
- Vẫn băn khoăn đi tìm tính đặc thù
- Quán triệt 3 điều kiện đảm bảo tăng trưởng bền vững
- Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ
Tiếp tục ngày làm việc thứ 3, sáng 23/3, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc ban hành Luật Phòng chống mua bán người là yêu cầu bức thiết và thể hiện rõ tính nhân đạo. Về Dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá đã được chuẩn bị công phu, hoàn thiện và có thể được Quốc hội thông qua.
“Mua bán” hay “buôn bán” người?
Có ý kiến thắc mắc nên dùng từ “buôn bán người” vì nó thể hiện được tính chất trục lợi và phù hợp với cách gọi của công ước quốc tế. Giải thích về điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc dùng từ “Mua bán” là phù hợp với thực tế ở nước ta: Hoạt động còn đơn lẻ, chưa chuyên nghiệp.
Phía Trung Quốc bàn giao lại nạn nhân bị buôn bán (ảnh minh hoạ) |
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về phòng ngừa mua bán người, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 18) quy định về vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của một số Bộ, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người; đồng thời rà soát, chỉnh lý nội dung của Chương này cho cụ thể theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.
Về xử lý vi phạm (Điều 23), có ý kiến đề nghị không quy định việc xử lý trách nhiệm đối với người giả mạo nạn nhân mà chỉ cần quy định về việc bồi hoàn là đủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là hành vi lợi dụng để chiếm đoạt khoản kinh phí hỗ trợ dành cho nạn nhân bị mua bán.
Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành, góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Do đó, đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ này cho các Cơ sở bảo trợ xã hội là phù hợp, tận dụng được các cơ sở hiện có, tuy nhiên, chỉ nên tập trung cho các Cơ sở bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập để đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TP HCM) cho rằng, nên cho các tổ chức, cá nhân có vốn đứng ra thành lập trung tâm hỗ trợ, vì điều này phù hợp với công tác xã hội hoá, khai thác tiềm năng hỗ trợ, tạo thêm điều kiện, cơ hội để các nạn nhân được hỗ trợ không những từ Nhà nước mà của cả cộng đồng.
Đẻ thuê có phạm tội mua bán người?
Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán, có ý kiến đề nghị chỉ giao UBND cấp xã nơi nạn nhân đến khai báo tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân, còn việc hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ trở về nơi cư trú thì nên giao cho cơ quan LĐ-TB-XH cấp huyện thực hiện.
Ý kiến khác cho rằng, quy định người đến khai báo là nạn nhân nhưng chưa có tài liệu, giấy tờ xác định nạn nhân, có yêu cầu thì được hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tiền tàu, xe và tiền ăn trong thời gian đi đường là quá rộng và sơ hở mà cần phải được xác minh, nếu họ thực sự là nạn nhân thì mới được hưởng các chế độ hỗ trợ trên.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) đặt vấn đề về quy định “Quyền của nạn nhân”. Theo đó, nếu là quyền công dân thì đã được quy định rõ trong các văn bản hiện hành. Do đó, cần cân nhắc đưa vào điều này, nếu không, “ngày nào đó có nhiều người muốn thành nạn nhân vì khó khăn trong làm ăn, bức bách trong cuộc sống”.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), một vấn đề nổi lên vừa qua là việc một số phụ nữ ra nước ngoài đẻ thuê và các cơ quan liên quan còn lúng túng trong xử lý.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, đẻ thuể đã đủ để cấu thành tội mua bán trẻ em, trong đó, người đẻ thuê vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Đứa trẻ được sinh ra chưa chắc đã được nuôi luôn mà trở thành đối tuợng bị mua bán. Do đó, cần xem xét và quy định rõ việc giải quyết vấn đề trên.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân, một số đối tượng ra nước ngoài buôn bán dâm rồi lâm rơi vào tình trạng bị buôn bán, vậy khi được giải cứu sẽ hỗ trợ thế nào? Theo đại biểu, trong trường này, cần có những quy định xử lý vừa nhân đạo nhưng cũng phải thể hiện tính răn đe.
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.