Cần xem xét lại việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng
VOV.VN - Việc tổ chức lễ hội chọi trâu như hiện nay đang đi lệch ra khỏi hồ sơ di sản mà chúng ta đã xem xét và công nhận.
Sau sự cố trâu chọi húc chết chủ, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng đã bị tạm dừng. Vụ việc cũng đang làm dấy lên trong dư luận về những bất cập trong công tác tổ chức lễ hội. Giữ hay bỏ những lễ hội mang tính bạo lực như chọi trâu là câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này.
Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy về nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy. |
Bà Trịnh Thị Thủy: Chúng tôi thấy rằng công tác chuẩn bị, công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn về mặt văn bản cơ bản đáp ứng theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy công tác chuẩn bị, lường trước các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, người tham gia lễ hội có nhiều vấn đề phải xem xét lại. Đặc biệt là quy chế tổ chức lễ hội chưa phù hợp, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng vậy. Hàng rào bảo vệ hay các phương án đối phó với những tình huống xấu nhất gần như không có. Vì vậy khi xảy ra sự cố thì hầu như không có một phản ứng gì từ Ban tổ chức.
Thời gian qua chúng ta thấy rằng phần hồn của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng bị coi nhẹ. Việc quảng bá về lễ hội gần như rất mờ nhạt khi nói về giá trị tín ngưỡng, tâm linh mà chủ yếu là quảng bá về hội chọi trâu, trong khi chọi trâu chỉ là một phần của lễ hội này. Nếu như lễ hội chọi trâu tổ chức như hiện nay thì nó đang đi lệch khỏi hồ sơ di sản mà chúng ta đã xem xét và công nhận. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề xung quanh lễ hội khiến dư luận đang quan tâm như: có cá độ hay không, có sử dụng chất kịch thích cho trâu hay không... Trước đây thì không bao giờ có những hiện tượng như vậy.
Do đó nếu tổ chức tiếp thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng. Bộ sẽ giao cho các đơn vị liên quan để tìm ra những phương án.
"Ông trâu điên" húc tung chủ nhân trên sân khiến khán giả kinh hãi. Ảnh: VTC News. |
PV: Trước quá nhiều biến tướng tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như bán vé vào cửa, cá độ ăn theo, kinh doanh mổ thịt trâu chọi… liệu đây có còn là một di sản văn hóa phi vật thể và có cần bảo tồn những lễ hội thế này?
Bà Trịnh Thị Thủy: Chúng tôi cho rằng bản chất của lễ hội không có gì sai, di sản này đã sống với công đồng và đi vào tâm thức người dân miền biển từ lâu. Trước đây lễ hội không tổ chức như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta đang bóp méo, đang làm sai lệch nó đi và có biểu hiện của yếu tố trục lợi, thương mại hóa trong việc lợi dụng những loại hình lễ hội như thế này.
Phải tổ chức thế nào để lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở về đúng với bản chất văn hóa của nó, chứ không phải là những biểu hiện như chúng ta thấy hiện nay: nào là mổ thịt trâu bán giá cao, nào là phó thác cho các chủ có trâu chọi nuôi trâu, huấn luyện trâu, thậm chí là có hành động như là gọt sừng trâu cho sắc... những điều đó chỉ thể hiện sự ganh đua, ăn thua mà không thể hiện được cái hồn của lễ hội là giáo dục truyền thống cộng đồng.
Chính quyền địa phương cho rằng, việc tổ chức lễ hội đã mang lại rất nhiều quyền lợi, cũng như là quảng bá và xúc tiến du lịch, nhưng chúng tôi chưa có một con số cụ thể, chính xác để thấy được hiệu quả thực sự từ lễ hội chọi trâu. Nếu như lễ hội thực sự đưa lại lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng, thì tại sao gia cảnh người chủ trâu vừa mất lại hết sức nghèo khó, thương tâm. Phải chăng, thực tế đang ngược lại những điều mà ban tổ chức quảng bá do lễ hội mang lại? Tới đây, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu, thậm chí là có sự phối hợp để điều tra xã hội học tổng thể xung quanh câu chuyện lợi ích, giá trị của việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
PV: Những thay đổi tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như hiện nay phải chăng là câu chuyện chúng ta đang đánh mất di sản hay đây là sự thích ứng với cuộc sống thực tế?
Bà Trịnh Thị Thủy: Thực tế là quy mô lễ hội đã thay đổi rất nhiều, không gian tổ chức lễ hội cũng biến tướng. Nó không còn là lễ hội của cộng đồng đó nữa mà đã mở rộng ra, có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Rõ ràng nó đã thay đổi rất nhiều không còn giá trị nguyên gốc của lễ hội chọi trâu. Chúng ta không thể nói rằng nó không được thay đổi, nhưng thay đổi thế nào thì chúng ta phải bàn. Bởi nếu thay đổi mà làm sai lệch di sản, biến tướng đi giá trị của lễ hội thì không thể chấp nhận được. Các di sản văn hóa hiện nay đang trong chiều hướng là phục vụ cộng đồng và đáp ứng được nhu cầu cộng đồng nhưng nó không được vi phạm và đi sai lệch với giá trị nguyên gốc của nó. Bảo tồn và phát triển phải trên cơ sở chọn lọc.
Vâng xin cảm ơn Thứ trưởng./.
“Chọi trâu Đồ Sơn chỉ là thứ trò chơi núp bóng lễ hội”