Công viên Văn hoá “Ấn tượng Hội An” và nỗi lo xói lở

VOV.VN - Người dân địa phương đang lo lắng về nguy cơ sạt lở bờ sông trước quy mô lớn của Dự án Công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An".

Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” thì người dân địa phương lại lo lắng về nguy cơ sạt lở bờ sông trước quy mô lớn của Dự án Công viên văn hóa chủ đề "Ấn tượng Hội An".

Dự án này do Công ty Cổ phần Gami Hội An làm chủ đầu tư, xây dựng ngay trên cồn đất giữa sông cách phố cổ Hội An 400 m, án ngữ dòng chảy. Việc biến một cồn đất giữa sông thành “đảo bê tông” với nhiều hạng mục kiên cố khiến người dân địa phương lo sợ lũ xiết gây xói lở, cuốn trôi bờ kè, sập đổ nhà dân. 

Các khối bê tông nổi lên giữa Cồn.

Tháng 5/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tổng mặt bằng Trung tâm hội nghị - Làng du lịch sinh thái Gami Hội An gồm các phân khu chức năng: Trung tâm hội nghị, nhà hàng, khu thương mại dịch vụ, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, khu resort…

Đến tháng 3/2008, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho Công ty Cổ phần Gami Hội An đầu tư Dự án tại cồn bãi, nằm giữa 2 phường Cẩm Châu và Cẩm Nam, thành phố Hội An, diện tích hơn 11 ha, tổng vốn đầu tư 43 triệu USD.

Sau lễ khởi công rầm rộ và thi công được một đoạn kè ngắn thì dự án dừng một thời gian dài. Tháng 10/2014, nhận thấy dự án chậm triển khai, trên cơ sở đề xuất của chính quyền thành phố Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty Cổ phần Gami Hội An, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An quản lý.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam lại ra quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 tổng mặt bằng Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” tại khu vực này. Tổng diện tích quy hoạch gần 9 ha, gồm các hạng mục: khu đón tiếp, khu văn phòng, khu phố thương mại, khu lưu trú, nhà hát trong nhà, nhà hát ngoài trời, nhà hàng, câu lạc bộ…

Hút cát thi công các hạng mục.

Ông Phạm Kiêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cẩm Nam, thành phố Hội An cho biết, qua các lần họp bàn triển khai Dự án, chính quyền phường chỉ tham gia cho đủ thành phần, còn việc cấp phép là do tỉnh. Ông Phạm Kiêu lo ngại về những tác động bất lợi từ dự án này: "Sau khi xây dựng Dự án Gami có một số ảnh hưởng nhất định. Cẩm Nam xung quanh là nước hết nên ảnh hưởng đến dòng chảy, độ sâu của dòng sông giữa Gami và phường Cẩm Nam, bên bờ Bắc sâu hơn".

Việc cấp phép xây dựng công trình có điểm nhấn cao 16,5 m đã vượt chiều cao so với quy định của thành phố Hội An trước đây là chỉ được xây dựng công trình cao tối đa 13,5 m, ngoại trừ một số công trình đặc biệt. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn lo ngại tình trạng bê tông hóa cồn bắp giữa sông không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn phá vỡ không gian đô thị cổ, ảnh hưởng trực tiếp đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Khán đài hoành tráng của sân khấu.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi triển khai Dự án này, chính quyền và ngành chức năng thành phố đã có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng đô thị Hội An gắn liền với dòng sông, mái ngói rêu phong, cổ kính. Hội An từ lâu cũng đã xác định xây dựng đô thị cổ trở thành đô thị sinh thái, văn hóa.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, trong Đề án xây dựng thành phố sinh thái, Hội An nâng niu, giữ gìn từng khu đất, dòng sông: "Hướng phát triển để bảo tồn của Hội An không cần những dự án quá lớn, quá vượt xa, bởi vì những cái đó thì ở nơi khác người ta đã làm rồi. Với Hội An thì có nét riêng. Quan điểm của thành phố là xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái. Do đó, khi xây dựng Dự án trên cái cồn như vậy thì thực tế thấy được là qua trận lũ năm 2017, Dự án chưa xây xong đã có sự cản trở, tác động đến dòng chảy hai bên bờ kè Cẩm Nam và Cẩm Châu. Về lâu dài sẽ có những hậu quả không tốt".

Dự án án ngữ giữa sông.

Dự án Công viên văn hoá Ấn tượng Hội An có quy mô lớn trong lĩnh vực văn hóa du lịch kết hợp với chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo xen lẫn vui chơi giải trí. Công trình này tọa lạc trên cồn đất thơ mộng giữa sông được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại nét tươi mới, hiện đại cho du lịch Hội An. Đây cũng là nơi giới thiệu một loại hình mới, một sản phẩm mới níu chân du khách.

Tuy nhiên, Dự án đã và đang xây dựng nhiều hạng mục bê tông, biến cồn đất thành một “hòn đảo” giữa sông, ngăn cản dòng chảy thoát lũ khiến người dân địa phương lo lắng. Vậy mà, ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố này và một số người có trách nhiệm lại né tránh trả lời báo chí về những bức xúc của người dân.

Người dân lo lắng Dự án gây xói lở 2 bên bờ sông.

Theo ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Dự án này có nhiều yếu tố bất thường. Cụ thể, ngày 23/3 năm nay, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép xây dựng cho 7 hạng mục công trình của Dự án, trong đó có khán đài ngoài trời. Thế nhưng trước đó 2 ngày, hạng mục này đã đưa vào sử dụng?.

Ông Nguyễn Sự cho biết, khi thấy việc cấp phép xây dựng công trình có điểm nhấn cao 16,5 m là không phù hợp, thành phố Hội An đã có văn bản đề nghị hạ độ cao nhưng chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh không quan tâm đến kiến nghị này.

"Làm “nát” hết Hội An. Trong khi quy định ở đó dân không được xây dựng quá 13,5 m, anh có quyền gì mà xây dựng ở đó 16,5 m, trừ công trình đặc biệt. Mà đây là dự án của tư nhân sao gọi là công trình đặc biệt. Mà lúc đó xây dựng không có 1 hồ sơ gì hết. Cồn bãi có nguyên tắc của cồn bãi, khi cao trình thấp, nước ngập rồi là tràn qua luôn. Nhưng ở đây anh xây dựng khối nhà lên và nâng cao trình lên, giữa sông mà, lũ lụt xuống dứt khoát sẽ chảy qua 2 bên. Thay đổi dòng chảy như vậy thì dân 2 bên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, xói lở", ông Nguyễn Sự nói.

Hội An nằm ở cuối sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây hứng chịu nhiều trận lũ nước ngập nóc nhà. Hội An cũng là dải đất mong manh trước biển. Người dân nơm nớp lo sợ lũ dữ, triều cường cuốn trôi nhà cửa, uy hiếp tính mạng. Hơn lúc nào hết, những người có trách nhiệm nên quan tâm đầy đủ đến văn hóa đô thị, đặc biệt, đô thị Di sản, đô thị sống như Hội An; không nên háo hức với những dự án quy mô hoành tráng mà phá vỡ không gian sống, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều ý kiến trái chiều về buổi biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”
Nhiều ý kiến trái chiều về buổi biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”

VOV.VN -Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Hội An còn kêu gọi “tẩy chay” vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An”...

Nhiều ý kiến trái chiều về buổi biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”

Nhiều ý kiến trái chiều về buổi biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”

VOV.VN -Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Hội An còn kêu gọi “tẩy chay” vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An”...

Hội An sẽ trả giá đắt nếu tiếp tục phá vỡ không gian “sống”
Hội An sẽ trả giá đắt nếu tiếp tục phá vỡ không gian “sống”

VOV.VN - Không nên háo hức với những Dự án hoành tráng quy mô mà phá vỡ không gian sống và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Hội An sẽ trả giá đắt nếu tiếp tục phá vỡ không gian “sống”

Hội An sẽ trả giá đắt nếu tiếp tục phá vỡ không gian “sống”

VOV.VN - Không nên háo hức với những Dự án hoành tráng quy mô mà phá vỡ không gian sống và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.