“Đồng vọng rối Việt”: Kết nối du lịch và nghệ thuật múa rối
VOV.VN - “Đồng vọng rối Việt” là tour du lịch nghệ thuật múa rối của Nhà hát Múa rối Việt Nam, được kết hợp giữa rối nước và rối cạn cùng âm nhạc dân gian.
“Đồng vọng rối Việt” là tour du lịch nghệ thuật múa rối của Nhà hát Múa rối Việt Nam, được kết hợp hài hòa giữa rối nước và rối cạn cùng âm nhạc dân gian, vừa được ra mắt du khách tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, số 361 Trường Chinh, Hà Nội.
Chương trình là thành quả hợp tác giữa Tổng cục Du lịch và Nhà hát Múa rối Việt Nam để thực hiện đề án “Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tham quan các bảo tàng kết nối với sản phẩm biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực tại Hà Nội”.
Múa rối bao gồm rối cạn và rối nước, là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Xuất hiện từ thời cổ đại cùng với Nhà nước văn minh – Nghệ thuật thời Hùng Vương, múa rối gắn liền với tập tục nghi lễ, hội hè Việt cổ - cách đây hơn 2000 năm và được lưu truyền tới ngày hôm nay. Có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng hiếm ở đâu múa rối lại đạt đến trình độ nghệ thuật, có giá trị cao về tinh thần và kỹ thuật như tại Việt Nam.
NSND Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: "Hầu hết các bạn quốc tế chỉ biết đến Việt Nam qua chương trình múa rối nước. Khi chúng tôi mang chương trình múa rối cạn đi dự thi ở các festival quốc tế, họ hoàn toàn bất ngờ về sức hấp dẫn cũng như khả năng diễn tả, ngôn ngữ tạo hình, ngôn ngữ đạo diễn và âm nhạc của Việt Nam.
Chương trình múa rối cạn những năm vừa qua đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao. Hiện nay quốc tế đã đánh giá Việt Nam là 1 nước có nghệ thuật múa rối phát triển mạnh, nhiều nước khác trên thế giới rất muốn đến Việt Nam để học hỏi về múa rối của Việt Nam".
Tour du lịch trải nghiệm “Đồng vọng rối Việt” của Nhà hát Múa rối Việt Nam là chương trình nghệ thuật độc đáo, có sự kết hợp hài hòa, đầy sáng tạo giữa rối nước và rối cạn cùng các màn trình diễn hát dân ca độc đáo.
Những bài hát văn, hát phú mang giai điệu của âm nhạc dân gian kết hợp cùng các vũ điệu uyển chuyển, hấp dẫn, rực rỡ đã tạo nên một sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật trang trí- sắp đặt với không gian kiến trúc Việt có thủy đình cổ kính lung linh giữa hồ nước cùng những mái ngói, cây đa, lũy tre, tạo nên khung cảnh gần gũi, mang đậm chất truyền thống của làng quê Việt.
Nghệ thuật rối nước truyền thống khi được dàn dựng sáng tạo với cách trình diễn hoàn toàn mới lạ của nghệ thuật rối cạn đã góp phần tạo nên một dấu ấn riêng.
Theo chị Nguyễn Lan Hương – Diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam, để hoàn thành tốt chương trình, các nghệ sĩ diễn viên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách: "Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã gấp rút luyện tập và hoàn thành 1 chương trình tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ đem đến cho khán giả những sự đổi mới, thích thú hơn đối với múa rối.
Khá khó khi chúng tôi phải vừa kết hợp múa rối nước với múa rối cạn. Diễn viên phải vừa đảm bảo ở trên cạn cũng như dưới nước. Chúng tôi phải thay quần áo liên tục vừa thay quần áo biểu diễn ở sân khấu trên cạn, sau đó lại xuống dưới nước nên rất vất vả".
Điểm đặc biệt của “Đồng vọng rối Việt” còn ở sự kết hợp giữa các tiết mục đặc sắc, đã từng đạt giải thưởng cao tại nhiều liên hoan múa rối uy tín quốc tế như: “Rối chân”, “Đeo mặt nạ”, “Cô đôi thượng ngàn”... với các tiết mục múa rối truyền thống như: “Chăn trâu”, “Chăn vịt”, “Sự tích Hồ Gươm”... “Đồng vọng rối Việt” đã đem đến cho khán giả trong nước và du khách quốc tế một chương trình nghệ thuật tổng hợp độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một trong những khán giả đầu tiên được tham gia trải nghiệm chương trình “Đồng vọng rối Việt”, bé Mai Hải Đường, học sinh trường Thực Nghiệm ở Hà Nội rất ấn tượng với tiết mục múa rối “Chăn vịt”: "Khi được xem múa rối ở Nhà hát múa rối, con cảm thấy rất vui. Tiết mục con ấn tượng nhất là tiết mục biểu diễn chăn vịt. Đây là tiết mục có cả múa rối nước và múa rối cạn nên con rất thích. Con rất muốn lần sau sẽ được quay lại đây xem tiếp".
Không chỉ được các em nhỏ yêu thích, dự án “Đồng vọng rối Việt” còn chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả lớn tuổi với các chương trình tham quan khu trưng bày nghệ thuật về rối, tìm hiểu quy trình tạo hình con rối và trực tiếp tham gia biểu diễn múa rối cùng các nghệ sĩ.
Chị Đỗ Kim Hoa ở Hà Nội nêu cảm tưởng: "Tôi thấy đấy là 1 quy trình rất hay để tái tạo lại, giúp cho mọi người hiểu thêm về cách chế tạo ra con rối và thấy giá trị của từng nhân vật rối từ lúc chọn gỗ, khắc và hoàn thiện thành hình hài nhân vật".
Với nhiều điểm nhấn độc đáo, tour du lịch với nghệ thuật múa rối sẽ góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống phong phú của dân tộc ta, gắn kết giữa du lịch và văn hóa nghệ thuật để hình thành những chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn của thủ đô ngàn năm văn hiến./.
Múa rối nước Việt Nam lên sóng truyền hình Mỹ
Múa rối nước được giới thiệu tại Diễn đàn Pháp ngữ-TBD lần thứ 9