Hợp tác UNESCO với Việt Nam nở rộ dù tổ chức này đang gặp khó
VOV.VN - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã cùng phía Việt Nam gieo hạt giống trong năm 2018 để những bông hoa nở rộ trong năm 2019.
2018 là một năm vô cùng thách thức với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc vì khó khăn tài chính khi Mỹ và Israel chính thức rút khỏi tổ chức này cũng như việc thay đổi Tổng giám đốc UNESCO. Không nằm ngoài những khó khăn đó nhưng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội lại khá hài lòng với công tác của mình năm 2018 và đã “gieo nhiều hạt giống để những bông hoa có thể nở ra trong năm 2019”, như Trưởng đại diện Michael Croft chia sẻ tại Hội nghị “Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO tại Việt Năm năm 2018 và định hướng công tác năm 2019 diễn ra sáng 17/1.
Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) chủ trì hội nghị. |
Tại hội nghị, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Michael Croft cho biết, văn phòng đang gặp khó khăn về tài chính, hiện không có ngân sách hay nhân sự cho các mảng thông tin truyền thông cũng như khoa học tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các tiểu ban và cơ quan bộ, ban, ngành có liên quan của Việt Nam, Văn phòng tại Hà Nội có thể vượt qua những khó khăn của mình.
Thực tế, trong bối cảnh hết sức khó khăn của UNESCO, hợp tác giữa tổ chức này với UBQG UNESCO Việt Nam lại được mở rộng và đi vào thực chất hơn.
Những đóng góp thiết thực của Việt Nam tại UNESCO năm 2018
Nhìn chung, không chỉ UNESCO mà các thể chế đa phương trên thế giới đều đang gặp khó khăn do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy. Nhưng Việt Nam vẫn hết sức cố gắng đóng góp vào việc xây dựng chương trình, định hướng hoạt động lẫn những vấn đề về ngân sách, tài chính và tổ chức của UNESCO.
Việt Nam đang đảm nhiệm hiệu quả vai trò thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 – 2019.
Việt Nam tiếp tục có đại diện đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các tổ chức chuyên môn của UNESCO như Phó chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Phó Chủ tịch Chương trình Hải dương học Châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Hải dương học khu vực Tây Á – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam có các chuyên gia là thành viên của các cơ chế như Ban Tư vấn Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, Ban tư vấn của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu và mạng lưới Công viên Địa chất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng điều phối quốc tế của Chương trình Con người và Sinh quyển MAB ICC…
Do đó, tiếng nói và vai trò của Việt Nam ngày càng được các nước thành viên UNESCO coi trọng.
“Hạt giống mới”
Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, ngay từ đầu năm 2018, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã xây dựng một chiến lược hợp tác với Việt Nam, trong đó nhất trí với UBQG UNESCO Việt Nam phát huy thêm những thế mạnh khác của UNESCO, bên cạnh văn hóa, di sản là giáo dục và khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội.
Trong lĩnh vực giáo dục, năm qua, Văn phòng UNESCO đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá về giáo dục của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và UBQG UNESCO Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác hải dương học thông qua việc đăng cai tổ chức 2 hội thảo về Quản lý không gian Biển cấp quốc gia và Quốc tế. Việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này sẽ đóng góp vào việc xây dựng và triển khai Chiến lược biển của Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội nghịTrung ương 8 khóa XII về phát triển kinh tế biển theo phương châm “giàu lên từ biển, dựa vào biển, hướng ra biển”.
Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc tới những thành tựu trong lĩnh vực di sản khi trong năm 2018, UNESCO đã công nhận 2 danh hiệu: “Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng” và “Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” đối với bộ sách ngoại giao cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ”. “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là Di sản tư liệu của UNESCO
Có thể nói, năm 2018 đánh dấu những hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam toàn diện và bắt đầu cân bằng hơn trên cả 3 trụ cột văn hóa, giáo dục và khoa học.
Tranh thủ ý tưởng và kinh nghiệm của UNESCO
Các di sản đã được UNESCO công nhận đang được các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam chú trọng quản lý ngày càng hiệu quả, phát huy được các giá trị để phát triển bền vững, gắn mục tiêu phát triển với bảo tồn bản sắc văn hóa, môi trường, phát huy vai trò của cộng đồng. Các danh hiệu của UNESCO đã và đang trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, vừa tạo thương hiệu, sức hút cho địa phương, vừa bảo vệ được các giá trị về văn hóa, thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBQG UNESCO Lê Hoài Trung cho rằng, Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được ý nghĩa của các khu dự trữ sinh quyển.
“Phát huy tốt nhất hiện nay chỉ có Cù lao Chàm và khu Cần Giờ trong khi hiện nay chúng ta có đến 9 khu dự trữ sinh quyển” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ. “Langbiang của Lâm Đồng là khu mới nhất nhưng việc phát huy ý nghĩa của nó trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường và tài nguyên là điều cần đào sâu suy nghĩ thêm”.
Cũng như vậy, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, Việt Nam cần phải thực hiện tốt hơn các khuyến nghị của UNESCO đối với các di sản đã được công nhận, ví dụ như Thành nhà Hồ.
“Không chỉ ở Việt Nam mà nước nào cũng chứng kiến những mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn văn hóa, vậy thì phải bảo vệ di sản như thế nào là điều mà Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cần quan tâm thêm, chia sẻ các cách mà nước khác đã làm” – Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh. “Thế mạnh của UNESCO chủ yếu là ý tưởng và sự phối hợp với quốc gia, còn tiền của bản thân UNESCO rất hạn chế và ngày càng hạn chế. Muốn tranh thủ được thế mạnh của UNESCO là phải tranh thủ được ý tưởng và kinh nghiệm cả họ”.
Theo Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, cách làm tốt nhất là các địa phương có di sản phải chủ động đề xuất, chủ trì thúc đẩy và cũng là chủ đầu tư cho các di sản đó còn UBQG hay Văn phòng UNESCO chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, cố vấn, có như vậy mới huy động được nguồn vốn của địa phương và bản thân địa phương đó mới có ý thức chịu trách nhiệm./.
Tiềm năng du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng