Lễ hội Đền Hạ, đền Thượng, Đền Ỷ La khai mạc trong mưa rét
VOV.VN - Sáng 9/3 thành phố Tuyên Quang long trọng tổ chức khai mạc lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La.
Đây là lễ hội có truyền thống hơn 300 năm và mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ rước diễn ra trong mưa rét. |
Lễ hội năm nay được tổ chức ở cấp thành phố với các hoạt động gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ như lễ rước kiệu từ đền Thượng, đền Ỷ La về đền Hạ, liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, hội thi ẩm thực, tổ chức các trò trơi dân gian… Lễ hội sẽ kéo dài đến hết ngày 13/3/2017 với hoạt động rước mẫu hoàng cung.
Người dân thành phố Tuyên Quang tin rằng chui qua kiệu mẫu sẽ nhận được may mắn, sức khỏe. |
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La tôn vinh những giá trị văn hóa của nhân dân thành phố Tuyên Quang, đặc biệt là “Tín ngưỡng thờ Mẫu thoải - Mẹ Nước”. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thần tích Đền Ỷ La và truyền thuyết dân gian đều kể lại: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân. Hai nàng có có công giúp dân biết trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dẹp loạn cướp bóc, đánh đuổi giặc dữ.
Nam thanh, nữ tú được chọn để khiêng kiệu. |
Một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ.
Toàn cảnh lễ hội nhìn từ trên cao.
Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng qui mô hơn. Tiếp đến, ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân lại xây thêm một ngôi đền nữa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn, thuộc chân núi Dùm đặt tên là Đền Thượng. Đền Hiệp Thuận ở hạ lưu được gọi là Đền Hạ, thờ công chúa Phương Dung (người chị), Đền Thượng thờ công chúa Ngọc Lân (người em).
Rất đông người dân và khách du lịch tham dự buổi lễ.
Đến đầu Thế kỷ XVIII, có giặc loạn đảng tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng mang tượng Mẫu giấu vào khu rừng ở thôn Gốc Đa, xã Ỷ La. Sau khi giặc tan, dân trong vùng dựng thêm 1 ngôi đền, nay là đền Ỷ La.
Lễ hội đền Hạ là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức từ xa xưa cho đến những năm 50 của Thế kỷ XX thì bị gián đoạn. Năm 2006, lễ hội được khôi phục theo nguyện vọng của đông đảo người dân thành phố Tuyên Quang.
Rước kiệu Mẫu là hoạt động gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. |
Tuyên Quang được coi là nơi thờ Mẫu Thoải (1 trong “Tam tòa Thánh Mẫu” theo tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ) lớn nhất cả nước. Toàn thành phố có đến 14 ngôi đền, trong đó có 12 đền thờ Mẫu. Các đền thờ Mẫu tại Tuyên Quang được hình thành sớm và nổi tiếng linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.