Lễ hội méo mó, người dân hành xử theo tâm lý đám đông
VOV.VN - Cục trưởng Cục VHCS: “Người dân tham dự lễ hội có những hành động bột phát, theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về ý nghĩa lễ hội...”.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Cục VHCS), Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm quản lý các lễ hội diễn ra trên cả nước hàng năm, cho biết, các cơ quan chức năng đã rất sát sao và kịp thời trong việc quản lý hoạt động của các lễ hội. Nhiều tình huống xảy ra bất ngờ cũng đã được kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý như trường hợp ở Chùa Hương, hay Đền Sóc (Hà Nội).
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL. |
Đánh giá về mùa lễ hội năm 2017, bà Thủy cho biết: “Nhìn chung, hoạt động lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, những hạn chế từ những mùa lễ hội trước đến nay cơ bản đã được khắc phục như: lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức công khai chém lợn giữa sân đình; Hội Đả cầu cướp phết xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và khoanh khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã bỏ tục đập đầu trâu; lễ hội Đông Cuông (Yên Bái) bỏ trục treo trâu; lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước", bà Thủy cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, một số lễ hội vẫn còn xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc, nguyên nhân do ý thức của một số người dân tham dự lễ hội có những hành động bột phát, theo tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết về ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi nên nhiều người giành giật, tranh cướp dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm”.
Lễ hội cướp phết Hiền Quan 2017 ở Tam Nông, Phú Thọ. |
Trả lời về vấn đề có nên bỏ những hành động bạo lực trong các lễ hội và giải pháp để hạn chế tính bạo lực, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định: “Những hành động bạo lực trong lễ hội kiên quyết phải loại bỏ, đảm bảo nếp sống văn minh trong lễ hội. Để hạn chế những hành động bạo lực diễn ra trong lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; dần loại bỏ những tập tục mang tính phản cảm, bạo lực không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội”.
Những hình ảnh phản cảm ở lễ hội cướp phết Hiền Quan 2017
Bà Thủy cũng phân tích về những khó khăn trong việc quản lý lễ hội hiện nay: “Trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa đã có tác động đến thay đổi về nhận thức, mục đích, hành vi của những người tham gia lễ hội ngày càng được thể hiện rõ nét, kéo theo đó là các hoạt động văn hóa trong lễ hội cũng thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách tham gia lễ hội. Nhu cầu tham gia lễ hội của người dân và du khách ngày càng tăng, không gian tổ chức lễ hội, di tích chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ của di tích.
Việc thay đổi một số tập tục trong lễ hội không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay, cần phải có thời gian để tuyên truyền, vận động nhân dân dần thay đổi những tập theo xu hướng văn minh, tiến bộ. Hoạt động lễ hội là lĩnh vực tổng hợp, liên quan đến nhiều Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cùng tham gia, nếu sự phối hợp không chặt chẽ giữa các cơ quan sẽ làm ảnh đến ảnh hưởng đến kết quả của tổ chức hoạt động lễ hội”.
Lễ hội cướp phết Vĩnh Phúc 2017: Không tung phết cho dân cướp
Trước đó, ngày 15/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi công văn tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công văn nêu rõ tình trạng lộn xộn cụ thể ở từng địa phương, đồng thời nhấn mạnh nội dung “cần loại bỏ tính bạo lực, đề cao tinh thần hòa bình, nhân ái trong các lễ hội. Không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Công văn cũng yêu cầu các địa phương quán triệt trong việc cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ./.