Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân ở thành phố Hải Phòng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2016. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của lễ hội, hàng năm vào ngày Thánh đản (mùng 8/2 âm lịch), thành phố Hải Phòng lại tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân.
|
Chợ quê Vẻn là hoạt động đầu tiên của Lễ hội Nữ tướng Lê Chân Hải Phòng. |
Năm nay, lễ hội Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng được tổ chức trang trọng hơn với nhiều hoạt động đặc sắc, những nghi lễ truyền thống tạo nên nét đẹp trong lễ hội văn hóa tâm linh của nhân dân thành phố Hải Phòng.
Lễ hội sẽ tập trung nhiều vào phần lễ như lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ khai mạc, lễ tạ, lễ rước và phần hội với nhiều hoạt động phong phú gồm: Chương trình chợ quê, diễn xướng chầu văn, văn hóa văn nghệ, lân sư, trống hội, võ dân tộc, kéo co, cờ người và các trò chơi dân gian, giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân...Một số hoạt động mới năm nay của lễ hội như dạy học tích hợp chuyên đề “Trang An Biên xưa và nay”, Ngày Hội phụ nữ “Năng động – Đảm đang”, Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam.
|
Chợ quê tái tạo lại những hoài niệm về một vùng quê Vẻn xưa. |
Lễ hội truyền thống này mở ra hàng năm vào ngày Thánh đản nhằm ghi nhớ công ơn Nữ tướng Lê Chân - người có công khai phá ra vùng đất An Biên, cửa sông Cấm xưa và là thành phố Hải Phòng ngày nay.
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: "Qua Lễ hội này, chúng tôi muốn gửi gắm cho nhân dân thành phố Hải Phòng biết được công lao đóng góp của bà đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của thành phố. Qua đó, cán bộ đảng viên và nhân dân thành phố Hải Phòng noi gương Nữ tướng để gìn giữ những nét đẹp văn hóa và xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
|
Tái tạo lại một không gian thôn quê với tiếng ca trù. |
Theo thần tích, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày 8/2 âm lịch những năm 20 đầu Công nguyên. Bà quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đến vùng đất nơi ngã ba sông Tam Bạc nối liền sông Cấm, lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược, bà là một nữ tướng tài ba, anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội, được Trưng Vương phong chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần. Hệ thống thờ tự Nữ tướng Lê Chân được hình thành và trường tồn gần 20 thế kỷ qua.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
|
Những vật dụng quen thuộc của nền nông nghiệp lúa nước được sản xuất từ tre. |
|
Với nét độc đáo của phiên chợ quê đã thu hút nhiều người đến với Lễ hội Nữ tướng Lê Chân 2018. |
|
Bên cạnh Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, thành phố Hải Phòng cũng đang chuẩn bị cho Lễ hội hoa anh đào 2018. |
|
Khoảng 10.000 cành hoa Anh đào được trưng bày tại Quảng Trường trung thành phố. |
|
Lãnh đạo thành phố Hải phòng dâng hương tại Đình An Biên, mở đầu cho các hoạt động của lễ hội Lê Chân 2018. |
|
Đình An Biên nơi thờ phụng Nữ tướng Lê Chân ( Hải Phòng). |
|
Nữ tướng Lê Chân trong đình An Biên./. |