Ngày xuân gặp nghệ nhân say mê đàn tính
VOV.VN - Bằng niềm trăn trở với văn hóa và nhạc cụ dân tộc, ông Khoong đã tìm tòi, chế tác ra các nhạc cụ của dân tộc, mang phong cách riêng của mình.
Đối với dân tộc Thái, ngoài chữ viết và tiếng nói thì nhiều nghệ nhân vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua các nhạc cụ như khèn bè, sáo, trống chiêng, si so lo, đàn tính tẩu.
Ông Khoong và những cây đàn tính.
Với mong muốn góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là để các nhạc cụ dân tộc mình không bị mai một, ông Lò Văn Khoong ở tổ 8, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu đã chế tác và lưu giữ những chiếc đàn tính tẩu.
Sinh ra và lớn lên tại bản Vàng Bó, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là cái nôi văn hóa của dân tộc Thái, từ nhỏ ông Lò Văn Khoong đã thích hát, đánh tàn tính.
Sau khi nghỉ hưu và tham gia đội văn hóa văn nghệ của địa phương, năm 2015, ông Khoong thành lập đội văn nghệ Hội người cao tuổi phường Đoàn Kết, do ông làm tổ trưởng với 14 thành viên tham gia với niềm say mê yêu văn nghệ của tuổi già.
Bằng niềm trăn trở với văn hóa văn nghệ và nhạc cụ dân tộc, ông Khoong đã tìm tòi, chế tác ra các nhạc cụ của dân tộc, mang phong cách riêng của mình. Người Thái Lai Châu thường sống trong ngôi nhà sàn mang bản sắc dân tộc của mình, nhưng gia đình ông Khoong đang sống ở phố Vừ A Dính lại không phải không gian nhà sàn. Tuy vậy trong nhà rất nhiều chiếc đàn tính tẩu được treo với đủ các kích cỡ, cùng với các loại nhạc cụ khác
“Ban đầu làm đàn tính cũng kêu nhưng không hay, không đẹp nhưng vẫn thích làm, một hai tháng cứ làm, làm dần thì thành hay để vui văn nghệ với bản làng” - ông Khoong chia sẻ.
Trong tiếng Thái, tính có nghĩa là đàn, tẩu là bầu được làm từ quả bầu khô. Đàn tính tẩu có các bộ phận chính là bầu đàn làm từ 1/3 quả bầu khô, cần đàn thường được làm bằng gỗ dâu, dây dàn làm bằng tơ se hoặc dây cước. Làm đàn tính tẩu khó nhất là tìm quả bầu phải chọn được những quả bầu không quá to cũng không quá nhỏ, phải già, hình dáng bên ngoài phải tròn đẹp, vỏ dày gõ vào phải kêu đanh thì đàn mới có âm vang chuẩn.
“Làm đàn muốn cho nó thẳng mà làm được nhanh thì phải có cái thước mét thật thẳng, đặt vào vạch gọt sau đó uốn để khỏi cong, cong thì đánh không ra bài, không ra tiếng” - ông Khoong cho biết.
Với mong muốn lớp trẻ thích thú gìn giữ văn hóa đồng bào Thái, trong đó có đàn tính tẩu, tuy tuổi đã cao ông Khoong vẫn say mê chế tác ra những chiếc đàn tính tẩu để lại cho con cháu. Hiện những người biết đánh đàn tính tẩu thì nhiều, nhưng những người biết và làm ra nó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay:
“Bây giờ nhạc này với múa xòe ông cũng kêu gọi con cháu học nhưng lúa tuổi thanh niên lại rất ngại” - ông Khoong trăn trở.
Những loại nhạc cụ mà ông Khoong chế tác ra không phải để kinh doanh mà với ông cốt để thỏa mãn sự đam mê của bản thân về nhạc cụ dân tộc mình. Điều quan trọng hơn là lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những năm gần đây. Cây đàn tính tẩu của ông không những được bà con trong các xã, bản ở huyện Phong Thổ biết đến, mà nhiều người ở nơi khác cũng rất ấn tượng về cây đàn tính.
“Năm nay tuổi bác Khoong cũng cao rồi, hơn 80 rồi đấy nhưng mà rất nhiệt tình, rất yêu văn nghệ. Bản sắc văn hóa dân tộc mình chúng tôi cùng phát huy và lưu giữ lâu dài truyền cho thế hệ sau nữa” - Ông Đèo Xuân Khinh ở thành phố Lai Châu cho biết.
Với đồng bào dân tộc Thái, tính tẩu là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, ngày hội và những nghi lễ. Đàn tính tẩu vừa để đánh giải trí hàng ngày vừa để đánh trong các ngày lễ tết, lễ hội của bản hay đánh tính tẩu mỗi khi trong bản có người qua đời. Đó là nét văn hóa sinh hoạt rất riêng thể hiện tính cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái.
Tết đến xuân về quây quần bên gia đình, hàng xóm, ông Khoong lại đánh đàn tính tẩu. Tiếng đàn vang xa hòa trong bài hát, vòng xòe Thái, thêm thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc ở nơi vùng cao biên giới./.