San ủi lăng mộ nghi của vợ vua Tự Đức khi chưa được bàn giao mặt bằng
VOV.VN - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị tiến hành thi công khi chưa được bàn giao mặt bằng.
Những ngày gần đây, dư luận ở tỉnh Thừa Thiên Huế nóng lên việc khu lăng mộ nghi là vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đậu xe. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế cho biết, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã tiến hành san ủi khi chưa được bàn giao mặt bằng.
Đơn vị thi công san ủi bãi đỗ xe khi chưa được bàn giao mặt bằng. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế cho biết: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị tiến hành thi công khi chưa được bàn giao mặt bằng. Cuối năm 2016, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố có thông báo đến người dân về việc kê khai lăng mộ để thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Sau đó, chủ đầu tư đã hoàn thành việc di dời các ngôi mộ vô chủ. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ có diện tích thu hồi lớn và 3 hộ được điều chỉnh bổ sung giá trị bồi thường nên Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế chưa bàn giao mặt bằng. Thế nhưng, chủ đầu tư đã cho san ủi khu vực này.
Theo ông Tuấn, trong quá trình kiểm kê, đơn vị đã khảo sát phần mộ trên đất, không phát hiện ngôi mộ này: "Riêng đối với dự án này Trung tâm phát triển quỹ đất chưa bàn giao mặt bằng cho công ty Chuỗi Giá Trị, lý do còn 3 hộ gia đình mà Ủy ban tỉnh cho phép Trung tâm bỏ ngân sách ra để hỗ trợ. 3 hộ là do Trung tâm yêu cầu điều chỉnh phạm vi đó thì chưa xong dự án nên chưa bàn giao".
Người dân sống xung quanh khu vực lăng mộ bị san ủi khẳng định: Khu lăng mộ vẫn còn nguyên vẹn trước lúc đơn vị thi công san ủi. Ông Trương Văn Hậu, ở tổ 11, phường Thủy Xuân, thành phố Huế cho biết: "Lăng ni nói chung cổ kính, xây bằng vôi, xung quanh thành xây bằng đá hộc còn cái cổng vòm bằng gạch vồ rồi mộ cũng bằng gạch vồ nớ. Khi chưa cày là lăng đang còn nguyên vẹn nhưng có cái bề ngang bề rộng tui không để ý, chừ đang còn móng ở dưới, to hơn lăng người dân. Khi mà bị cày, dân mình ngăn cản nhưng họ vẫn ủi".
Tấm bia vừa tìm thấy được cho là bia của lăng mộ vợ vua Tự Đức.
Sau nhiều ngày tìm kiếm tại khu vực lăng mộ nghi là nơi chôn cất vợ vua Tự Đức bị san ủi làm bãi đỗ xe, chiều 24/6, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế và con cháu Nguyễn Phước tộc đã tìm thấy một tấm bia đá cổ có ghi tên một người vợ ở cấp bậc thứ 9 của vua Nguyễn.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, tấm bia vừa tìm thấy là bia mộ của vợ vua Tự Đức. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trên tấm bi ghi “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ” đem đối chiếu trùng hợp với bài vị tại gian tả nhất của Chí Khiêm Đường, miếu thờ các phi tần của vua Tự Đức và các vua tiền nhiệm trong lăng Tự Đức.
"Đây chính là tấm bia tại phần mộ của bà tài nhân cửu giai họ Lê, khi mất được vua ban tên Thụy là Thục Thuận. Điều này trùng hợp với bài vị tại gian tả nhất của Chí Khiêm Đường. Vậy thì thống nhất giữa 2 vật chứng, chúng ta thấy đây là phi tần trong cung bậc cấp thứ 9 nội đình của vua Tự Đức", nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nói.
Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cần xác định rõ ngôi mộ tại khu vực triển khai dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, trước đó có nhìn thấy bằng trực quan hay không? Và những bằng chứng cho thấy phía đơn vị thi công biết mà vẫn tự ý san ủi? Nếu thực sự vị trí đó là nơi chôn cất thi hài bà phi, vợ một vị vua triều Nguyễn thì đó là hành vi cấu thành tội xâm phạm mồ mả. Trường hợp chỉ mang tính chất khảo cổ hay nghi vấn thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên, tấm bia, nền móng, tường thành… tìm thấy tại khu vực triển khai dự án, nghi liên quan đến ngôi mộ của bà phi vẫn được xem là những chỉ dấu cho thấy đó là hành vi xâm phạm mồ mả, phía cơ quan Công an cần sớm điều tra làm rõ.
Khu vực san ủi làm bãi đỗ xe du lịch lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh. |
Luật sư Võ Công Hạnh đề nghị: Nếu như ngôi mộ này thực sự đã tồn tại một cách trực quan, có thể nhìn thấy được thì hành vi đào múc, ủi ngôi mộ trên đã cấu thành tội xâm phạm mồ mả theo điều 245 Bộ Luật hình sự. Ngược lại giả sử như trường hợp người thi công họ không nhìn được bằng trực quan cũng như đó chỉ là những phế tích hoặc những di chỉ mà chỉ có những người chuyên sâu như khảo cổ hoặc những chuyên gia thì trong trường hợp này không cấu thành tội danh này./.
Thừa Thiên-Huế: Buộc khôi phục lại khu lăng mộ bị san ủi