Sư trụ trì chùa Chân Long không chịu đối thoại với dân và chính quyền

VOV.VN -Sư trụ trì chùa Chân Long – Thích Minh Phượng yêu cầu được đối thoại với dân về những việc làm của mình thời gian qua nhưng buổi lễ chưa bắt đầu ông đã bỏ đi.

Sáng 8/12, UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội), đã tổ chức buổi đối thoại giữa nhân dân, chính quyền với sư trụ trì chùa Chân Long – Thích Minh Phượng về những sai phạm của ông trong việc quản lý di tích được xếp hạng quốc gia.

Đây là buổi đối thoại do chính nhà sư trụ trì Thích Minh Phượng yêu cầu. Tuy nhiên, ngay khi buổi đối thoại chuẩn bị bắt đầu (gần 8h sáng), nhà sư trụ trì Thích Minh Phượng đã bỏ đi mà không thông báo cho BTC cũng như nhân dân địa phương biết lý do tại sao.

Từ sáng sớm ngày 8/12, người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có mặt trước địa điểm diễn ra cuộc đối thoại để chờ đợi câu trả lời của sư thầy Thích Minh Phượng.
Trước sự việc đó, đại diện chính quyền cũng đã gọi điện và cử người đi tìm, mời nhà sư Thích Minh Phượng về để tiếp tục buổi đối thoại nhưng không có kết quả. Đến gần 9h sáng 8/12 nhà sư Thích Minh Phượng vẫn không có mặt và buộc BTC phải tiến hành buổi đối thoại để thông báo về công tác quản lý di tích quốc gia chùa Chân Long thời gian qua đồng thời lắng nghe ý kiến của bà con nhân dân.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Phúc – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội) đã báo cáo công tác quản lý di tích chùa Chân Long trước và sau thời gian giao cho nhà sư Thích Minh Phượng trụ trì.

 Ông Nguyễn Hữu Phúc – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, năm 2011, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Hà Nội có quyết định bổ nhiệm nhà sư Thích Minh Phượng về trụ trì chùa Chân Long của xã. Sau đó, nhà sư Thích Minh Phượng đã nhập khẩu thường trú tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội).

Nhưng sau một thời gian quản lý chùa, nhà sư Thích Minh Phượng đã gây ra một số vụ việc vi phạm tới quy định về quản lý di tích theo Luật Di sản văn hóa: Tự ý xây dựng nhà vệ sinh trong khuôn viên chùa, xây gara để ôtô trước cổng ngôi chùa, đưa thêm tượng mới vào chùa, thay đổi tượng cũ trong Tam Bảo bằng tượng mới…. mà chưa xin ý kiến hay được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Đỉnh điểm của sự việc là tháng 10/2013, nhà sư Thích Minh Phượng – trụ trì chùa Chân Long đã tự ý tiếp nhận một pho tượng và đặt lại vào Tam Bảo dẫn đến sự bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương.

Hình ảnh bức tượng (trái) được người dân cho là sư thầy Thích Minh Phượng đã tạc chính bản thân mình để đưa vào chùa Chân Long.
“Trong thời gian nhà sư Thích Minh Phượng trụ trì chùa Chân Long, các cấp chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông thực hiện tốt vai trò của mình. Nhưng, nhà sư Thích Minh Phượng lại liên tiếp có nhiều vi phạm trong việc bảo tồn, quản lý Di tích quốc gia dù đã được các cấp chức năng có thẩm quyền nhắc nhở, lập biên bản. Không những vậy, khi được nhắc nhở, đề nghị nhà sư Thích Minh Phượng thực hiện đúng quy định Luật Di sản văn hóa song ông lại tỏ ra bất hợp tác, thiếu tôn trọng chính quyền và nhân dân địa phương…” – ông Nguyễn Hữu Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Phúc cũng rất tiếc về việc sư thầy Thích Minh Phượng bỏ về khi buổi đối thoại chuẩn bị diễn ra. Bởi theo ông Phúc, đây là buổi đối thoại do nhà sư Thích Minh Phượng yêu cầu nên cơ quan chức năng đã cố gắng thu xếp để tổ chức dù cho còn rất nhiều việc quan trọng khác. Bên cạnh đó, sự trông đợi của người dân từ nhiều ngày qua cũng không được thỏa mãn.

Nhiều người dân tỏ ra bức xúc vì hành vi bỏ đi của sư thầy Thích Minh Phượng mà không thông báo.
Về phía người dân, đại diện 7 thôn của xã cũng đã được UBND xã mời tới dự, tuy nhiên, tất cả đều ra về có phần bức xúc hành động thiếu tôn trọng của nhà sư Thích Minh Phượng khi ông bỏ về mà không thông báo.

Anh Nguyễn Duy Khải, 43 tuổi, thôn 4, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, anh đến để được đối thoại và lắng nghe lời giải thích của nhà sư Thích Minh Phượng về những việc làm của ông tại chùa Chân Long, nhưng tiếc là ông lại bỏ về. Theo anh, nhà sư Thích Minh Phượng đã không tôn trọng nhân dân, chính quyền, làm ảnh hưởng đến sản xuất vì đây là một làng nghề. Mọi người dân đã phải nghỉ mọi công việc để được gặp nhà sư Thích Minh Phượng nhưng ông lại bỏ đi.

Anh Nguyễn Duy Khải.
“Đây là một ngôi chùa cổ, được xếp hạng di tích quốc gia nhưng sư thấy Thích Minh Phượng lại tự ý có những việc làm trái với quy định gây mất cảnh quan của chùa khiến nhân dân bức xúc vì vậy tôi không chấp nhận một người như sư thầy Thích Minh Phượng trụ trì tại đây” – anh Nguyễn Duy Khải bày tỏ.

Đây cũng là ý kiến của đại đa số người dân tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) sau khi sư thấy Thích Minh Phượng về trụ trì tại chùa Chân Long và có những việc làm sai quy định.

Bà Nguyễn Thị Gia, 73 tuổi, thôn 4, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Trước những việc làm của sư thầy Thích Minh Phượng thời gian qua, tôi nghĩ ông không có phẩm hạnh của một người tu hành. Chùa là của dân, chính quyền nhưng sư thầy Thích Minh Phượng lại luôn tự ý có những việc làm trái quy định nên là một người dân, tôi chỉ yêu cầu sư thầy hãy đi nơi khác và để chùa cho dân, cấp chính quyền tự quản lý”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội hướng dẫn xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long
Hà Nội hướng dẫn xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long

VOV.VN -Thời gian tới, Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm kê di tích trên toàn địa bàn.

Hà Nội hướng dẫn xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long

Hà Nội hướng dẫn xử lý các sai phạm tại chùa Chân Long

VOV.VN -Thời gian tới, Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm kê di tích trên toàn địa bàn.

Từ vụ chùa Chân Long, nghĩ về bảo tồn di tích đền chùa
Từ vụ chùa Chân Long, nghĩ về bảo tồn di tích đền chùa

VOV.VN - Hiện trạng của di sản văn hoá vật thể tại các đền chùa chưa bao giờ mong manh đến thế dù chúng ta có hành lang pháp lý bảo vệ di sản.

Từ vụ chùa Chân Long, nghĩ về bảo tồn di tích đền chùa

Từ vụ chùa Chân Long, nghĩ về bảo tồn di tích đền chùa

VOV.VN - Hiện trạng của di sản văn hoá vật thể tại các đền chùa chưa bao giờ mong manh đến thế dù chúng ta có hành lang pháp lý bảo vệ di sản.