Tục đón Tết của đồng bào Mường Mộc Châu, Sơn La
VOV.VN - Đối với bà con dân tộc Mường, quan trọng nhất là ngày 30 Tết.
Đối với bà con dân tộc Mường, quan trọng nhất là ngày 30 Tết. Công việc chuẩn bị cho ngày này được bà con tổ chức chu đáo, con cháu dù ở đâu, làm việc gì cũng tựu về đông đủ để cùng nhau đón năm mới.
Người Mường gói bánh chưng ăn Tết. |
Từ những ngày 28, 29 Tết, các gia đình người Mường ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đều dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm, đàn ông trụ cột gia đình thì dọn dẹp bàn thờ, những cành đào đang khoe sắc được bà con đưa về trang trí nhà cửa, thờ cúng tổ tiên. Chị em phụ nữ thì chuẩn bị gói bánh trưng, nhà có điều kiện thì thịt con lợn để gói bánh. Nhà nào cũng tấp nập chuẩn bị đón năm mới.
Đến ngày 30 tết, bà con gác lại công việc đồng áng, ruộng vườn, con cháu ở xa đều thu xếp công việc trở về gia đình cùng vui xuân đón tết. Bà Định Thị Thi, ở bản Nà Cạn, xã Tả Lại cho biết: “Thời xưa 30 Tết mọi người thường lấy lá đu đủ, rau củ quả bày lên thờ. Bây giờ không làm như vậy nữa nhưng trong ngày 30 Tết phải có chén chè nóng, đĩa trầu cau, kẹo bánh, hoa quả, bánh chưng vuông, bánh chưng tròn dài.”
Đồ lễ thờ cúng tổ tiên của người Mường Mộc Châu gồm: bánh chưng tròn, bánh chưng vuông, bánh kẹo, chai rượu, hương, hoa quả, chè, thuốc lá. Bà con còn thịt con gà trống, thịt lợn, làm món cá mọk hoặc cá nướng và đặc biệt không thể thiếu 4 sải vải trắng (vải của bà con tự dệt), quần áo mới để thờ cúng tổ tiên.
Khi chuẩn bị xong các thủ tục để thờ cúng ngày 30 tết, gia chủ mời ông mo đến khấn mời tổ tiên về vui chung với con cháu. Ông mo thay mặt gia chủ mời tổ tiên 2 bên gia đình nội, ngoại đến ăn tết với con cháu và cầu cho tổ tiên phù hộ cho con cháu năm mới ăn nên làm ra.
Bà Định Thị Thi ở bản Nà Cạn, xã Tả Lại cho biết thêm: "Như nhà tôi, kể cả bên nội, bên ngoại đều đặt trong gian giữa, tổ chức bên nào cũng như bên nào không phân biệt, bình đẳng như nhau”.
Người Mường uống rượu cần.
Mâm cơm cúng ngày 30 Tết của đồng bào Mường cũng như nhiều dân tộc khác đều có những thứ nông sản do mình làm ra để dâng lên tổ tiên, thờ trong đêm giao thừa sau đó thức ăn bà con sẽ lấy ra, còn bánh chưng, kẹo bánh, hoa quả... thì bà con để thắp hương cho đến ngày mồng 5 tết mới dọn dẹp bàn thờ. Trước khi dọn bàn thờ bà con làm mâm cơm cúng báo cáo với tổ tiên kết thúc một mùa tết và nhờ ông mo đến cầu khấn giúp mong các cụ phù hộ cho con cháu luôn khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn, hẹn sang năm con cháu làm ăn được sẽ có cỗ to hơn để thờ cúng các cụ.
Ông mo Đinh Văn Ngoan ở bản Nà Mường xã Nà Mường huyện Mộc Châu cho biết thêm: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, con cháu mời ông bà tổ tiên 2 bên nội ngoại về chung vui đón năm mới, cầu cho năm mới con cháu từ nhỏ đến già ai nấy đều khoẹ mạnh, làm gì được nấy ăn nên làm ra, thóc, lúa đầy bồ, trâu bò, lợn, gà đầy chuồng”.
Ông mo cúng xong, gia đình và anh em họ hàng cùng ăn Tết. Mâm cơm được bày ra bà con cùng nâng chén rượu chúc tụng nhau năm mới có dồi dào sức khoẻ, bản mường yên vui, gia đình ấm no, hạnh phúc./.
Yên Bái đã sẵn sàng đón du khách đến Tuần văn hoá du lịch Mường Lò
Khám phá tục múa sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa