Ngôi nhà khổ đau

Đã hơn 20 năm kể từ ngày lấy chồng, đôi vai yếu ớt của bà phải gồng gánh cật lực để lo toan cho 5 con người ngớ ngẩn. Nhưng giờ, chút sức lực cuối cùng cũng không còn nữa khi bà lại mắc thêm căn bệnh nan y.

Không tiền thuốc thang, chạy chữa nên những hơi thở của bà ngày một yếu đi và không biết sẽ tắt khi nào… Đó là nỗi đau không thể tả hết của bà Hoàng Thị Đang, 46 tuổi, thôn 7 Tân Lập, xã An Phú, Lục Yên, Yên Bái.

Cuộc hôn nhân định mệnh

Từ trung tâm xã đi được gần nửa giờ đồng hồ, gặp một người con gái lem luốc, trên vai là bó củi sơ sài, chúng tôi hỏi thăm lối vào nhà bà Đang. Đáp lại tôi là ánh mắt nhìn ngờ nghệch cùng điệu cười khanh khách. Hỏi một người đang làm đồng gần đó, chúng tôi mới biết đó chính là con gái bà Đang. Ngôi nhà rách nát nằm nép mình dưới chân núi lạnh lẽo. Những làn khói nghi ngút luồn qua vách nứa tả tơi càng làm cho ngôi nhà thêm hoang lạnh.

Không có tiền chạy chữa, bà Đang đành nằm chờ chết

Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông co ro bên bếp lửa, bên cạnh là cô con gái đang nhặt nhạnh mấy thanh củi mục bỏ vào bếp cho bớt lạnh. Từ đống chăn cũ nát, phát ra từng tiếng rên yếu ớt, đó là bà Đang. Bà bị u nang buồng trứng nhưng không có tiền chạy chữa nên đành nằm chờ chết. Thấy có khách, bà cố cất lời chào và mời chúng tôi ngồi. Chiếc cầu thang bằng mấy thanh tre mục dẫn chúng tôi lên sàn nhà. Nhưng biết ngồi đâu khi chỗ nào cũng nhọ nhem và đầy lỗ hổng!

Bà Đang sinh ra trong một gia đình đông anh em, cái đói kéo dài quanh năm suốt tháng. Không được học hành, bà cứ lầm lũi lớn lên, cả ngày hùng hục với ruộng nương, đến tối mịt mới trở về nhà. Tuổi xuân cứ thế trôi qua, cái tuổi 20 thời bấy giờ ở nhà quê chưa lấy chồng coi như ế, vậy mà bà đã bước sang tuổi 26. Rồi vào một chiều mưa, có một bà mai đến dạm hỏi bà cho một thanh niên kém bà 3 tuổi. Như an bài với số phận, bà đã nuốt nước mắt nhận lời.

Một đám cưới sơ sài được diễn ra ngay sau đó cùng sự chứng kiến của vài người họ hàng. Cô dâu chú rể vẫn quần áo tả tơi. “Ngay từ khi có người đến dạm hỏi và đến khi gặp mặt chồng lần đầu, tôi đã biết anh không bình thường, nhưng phận tôi khổ biết tránh sao…”. Những giọt nước mắt mặn đắng lã chã rơi và lăn dài trên hai gò má xanh xao của người đàn bà bất hạnh. Người chồng trẻ của bà từ khi sinh ra đã là một đứa trẻ ngây ngô, và vẫn như thế cho đến tận bây giờ.

Sau ngày cưới, hai bên gia đình đã dựng cho đôi vợ chồng trẻ một túp lều nhỏ ra ở riêng. Ngày ngày vợ quần quật với ruộng nương, chồng quanh quẩn xó bếp. Mọi thứ trong nhà từ nhỏ đến lớn đều phải đến tay bà. Cũng như bao đôi vợ chồng khác, những đứa con của họ lần lượt ra đời: Lý Thị Hải (sinh năm 1989), Lý Văn Hoà (sinh năm 1991), Lý Thị Kỳ (sinh năm 1993), Lý Thị Kiệm (sinh năm 1995). “Nhưng chúng nó chỉ to đầu chứ không hề có chút trí óc, bố chúng nó sao thì chúng y hệt vậy” – bà Đang thều thào. Làm mẹ làm cha, mong con cái lớn để được nương nhờ, nhưng với bà, những đứa con càng lớn, lòng bà lại càng quặn thắt và càng phải lo nhiều hơn.

Khi tôi hỏi vì sao chỉ thấy một người con ở nhà, bà thở dài: “Chúng không hay ở nhà đâu, cái giống dở dở ương ương ai xui gì thì làm nấy, cứ ai dỗ ngon dỗ ngọt là chúng đi theo làm việc cho họ thôi. Không biết hôm nay giở giời thế nào cái Hải mới ở nhà đấy…”.

Cái chết được báo trước

Một người làm để nuôi một người còn khó, đằng này một mình bà phải cật lực để nuôi 5 miệng ăn nên cái đói, cái nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình bà. Một năm, may ra được vài ba ngày đầu vụ còn có cái bỏ miệng, những ngày còn lại trông cả vào những buổi bán sức lao động của bà, ai mướn gì thì làm nấy, miễn sao có cái ăn.

Ngôi nhà rách nát bà Đang có được cũng là nhờ chính quyền xã

Nhưng số phận thật quá nghiệt ngã với người đàn bà này khi còn gán cho bà căn bệnh quái ác u nang buồng trứng, hay ung thư gì đó bà cũng không rõ. Nhìn khuôn mặt xanh xao cùng những hơi thở yếu ớt cũng đủ hiểu rằng sự sống của người đàn bà này đang được tính bằng ngày. Từ ngày đổ bệnh, cố gắng lắm bà mới đi khám được một lần. Bao đau đớn bà phải nghiến răng chịu đựng, phó mặc mạng sống cho bài thuốc nam truyền đời. Nhìn gia cảnh nhà bà ai cũng thương xót, nhưng cùng cảnh nghèo đói nên hàng xóm, anh em cố lắm cũng chỉ giúp đỡ được nắm gạo nấu cháo. “Chưa có ai khổ bằng nhà chúng nó, nhìn con Đang nằm chờ chết tôi xót lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao. Thành ra đến thăm cũng chỉ biết nhìn nhau mà rơi nước mắt…” - bà Sầm Thị Nghiên, chị dâu và cũng là hàng xóm của bà Đang nghẹn ngào.

Những tiếng rên vẫn cứ vang lên, phía dưới tấm chăn đắp mỏng manh là manh chiếu rách, gió lùa vào lạnh buốt khiến bà Đang cứ run lên theo từng hồi. Nhìn khắp nhà không một vật gì đáng giá ngoài mấy thanh củi mục nằm lăn lóc bên bếp lửa, thứ giúp cả nhà bà bớt lạnh trong những đêm giá rét. Bà Nông Thị Dung, Phó Chủ tịch xã An Phú cho biết, chính quyền xã đã giúp gia đình bà Đang có được căn nhà trú mưa nắng và tạo điều kiện cho bà vay vốn để mua một con trâu, nhưng cũng chưa thể giúp bà thoát khỏi nghèo khổ. Quá đói nghèo, bà Đang cũng đành nhắm mắt bán trâu đi để các con có miếng ăn.

Với căn bệnh nan y đang mang trong mình, cái chết là điều đã được báo trước với người đàn bà này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 5 con người ngớ ngẩn kia sẽ không còn chỗ dựa. Những mảnh đời ấy sẽ trôi dạt về đâu khi tất cả đều không có được một phút giây tỉnh táo trước cuộc đời?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên