Những giây phút quý báu

Dưới đây là tâm sự của chị Trần Thị Khuê, sinh năm 1971, cư ngụ tại Khu 6, Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, một bệnh nhân ung thư. Chị đang cố gắng từng giờ, từng ngày thu xếp cuộc sống còn dài của hai con

Chị ơi, em sẽ khỏi bệnh và cưới vợ. Khi khỏe em sẽ đi làm chị nhỉ?”, Khoa thì thầm với tôi. Câu là một trong những bệnh nhân bị ung thư tại bệnh viện 103. Khoa bị ung thư xương nhưng không hề biết điều đó.

Tôi xoa lưng cho Khoa và an ủi: “Rồi em sẽ khỏi bệnh, cố gắng lên em!”. Nói với Khoa vậy nhưng tôi cũng biết là không thể có ngày đó. Bệnh của Khoa đã chuyển sang giai đoạn cuối, mắt em không thể nhìn thấy được nữa.

Tôi rồi cũng sẽ ra đi, sẽ chết. Thế nhưng tôi không thể để người thân nhìn thấy sự mềm yếu và nỗi đau bệnh tật của mình. Có những gì tôi trải qua đã giúp tôi có được ý chí rắn rỏi. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy sao lại vướng vào nhiều bi kịch đến thế.

Sóng gió gia đình

Anh Phúc, chồng tôi, là bộ đội. Chúng tôi yêu nhau qua những cánh thư. Tôi chấp nhận lời cầu hôn của anh sau tám năm tìm hiểu. Sau đó, bé Trâm Anh và Hưng Hà lần lượt chào đời trong niềm sung sướng của đôi bên gia đình.

Do tính chất công việc, anh thường đóng quân ở xa. Làm vợ nhưng ít khi nào tôi được hưởng bầu không khí gia đình trọn vẹn. Năm 2001, tôi quyết định đưa hai con rời Hà Nội vào Đà Nẵng, nơi anh đóng quân, để gia đình được đoàn tụ.

Thời gian trước, chúng tôi sống cảnh vợ chồng xa cách nên không có dịp đụng chạm. Đến khi ở gần, bất đồng quan điểm, cách sống, vợ chồng tôi bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Tôi dần cảm thấy chồng thay đổi, anh hay cáu gắt với vợ con. Điều đó khiến bầu không khí gia đình luôn căng thẳng. Tôi còn nhớ có lần hai con được trường chọn đi thi học sinh giỏi, tôi lên kế hoạch dẫn hai con đi ăn chả cá như phần thưởng cho chúng và dặn chồng sắp xếp công việc để cả nhà cùng đi. Thế nhưng anh đã từ chối.

Ngồi trong tiệm ăn, các con tôi bảo: “Mẹ ơi, nhà mình không giống nhà người ta. Nhà người ta có bố đi cùng, còn nhà mình thì không…”.

Tôi lặng người trước câu nói của con nhưng chẳng biết làm gì để thay đổi chồng.

Khi tôi đang buồn vì tình cảm vợ chồng không mặn nồng, tai họa lại ập xuống. Tôi còn nhớ như in buổi tối hôm đó. Khi vừa ăn cơm chiều xong, anh bảo phải vào đơn vị hoàn tất một số giấy tờ. Tôi nhắc chồng về sớm với con. Thế nhưng đợi mãi đến mười giờ tôi vẫn chưa thấy anh về. Tối đó, lòng tôi như lửa đốt.

Gần nửa đêm, tôi nhận được điện thoại báo tin anh bị tai nạn giao thông. Đất dưới chân tôi như sụp xuống. Tôi vội vã gửi hai con cho hàng xóm và chạy đến bệnh viện. Anh bị đa chấn thương, hôn mê bất tỉnh, người bê bết máu. Nặng nhất là vết thương ở đầu. Bác sĩ nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật và cố gắng hết mức. Thế nhưng kết quả không nói trước được!”.

Đứng giữa hai nỗi đau

Sau những ngày thập tử nhất sinh, anh hồi tỉnh nhưng trí óc vẫn còn mụ mị, có lúc nhận ra vợ, lúc không. Có những hôm anh đại tiện ra quần nhưng nhất định không cho vợ thay.

Tôi phải từ dỗ dành đến bắt ép mới làm được vệ sinh cho anh. Ở bệnh viện, tôi phờ phạc vì vật lộn với chồng, về nhà lại phải chăm con. Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, con gái lớn gầy rộc, con em đổ bệnh sốt trên 40oC. Tôi lại lao vào lo cho con và nhờ bạn bè trong đơn vị anh giúp đỡ.

Mọi thứ chưa dừng ở đó. Trong lúc chăm chồng, tôi liên tục nhận được tin báo mẹ ruột ở quê bị ốm nặng. Bà rất mong tôi về để gặp mặt lần cuối nhưng tôi cứ trù trừ vì anh Phúc đang cần vợ. Một hôm, ở bệnh viện, khi tôi đang đút cháo cho chồng ăn, con gái chạy đến mếu máo: “Mẹ ơi, dì ngoài quê điện thoại bảo bà ngoại mất rối”. Tôi rụng rời chân tay, đầu óc u u, mê mê.

Anh em trong khu gia binh đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Người góp tiền, người giúp tôi sắp hành lý. Họ nhận sẽ chăm sóc hai con và anh Phúc trong thời gian tôi đi vắng. Có vậy tôi mới yên tâm ra sân bay về chịu tang mẹ.

Chịu tang mẹ xong, tôi trở vào Đà Nẵng. Tới bệnh viện, tôi bảo chồng: “Anh ơi, mẹ em mất rồi!”. “Thế à, bố chết chưa?”, nói rồi anh ngẩn ngơ cười. Bác sĩ trực đứng đó gạt nước mắt nhìn tôi thương cảm.

Sau nhiều tháng cố gắng, tôi đã giúp chồng hồi phục dần. Theo như bác sĩ nói, đó là một điều may mắn khó tưởng tượng. Tôi cầm tờ báo cố tình xoay ngược đưa cho anh. Thế nhưng anh đã biết xoay lại cho đúng. Tôi còn cần mẫn dạy anh tập đọc và nhớ lại những người thân bên mình. Anh dần nhận biết và ghi nhớ những người xung quanh.

Ngày anh gọi được đúng tên đứa con lớn, ba mẹ con tôi ôm nhau khóc. Tôi bấm máy gọi điện về thông báo tin vui cho gia đình chồng rằng anh đang hồi phục. Mải chăm chồng, lo cho con, tôi không chú ý đến những dấu hiệu bất thường của cơ thể mình.

Dấu hiệu bất thường

Khoảng đầu năm ngoái, tôi bỗng thấy khác lạ trong người. Chứng rối loạn tiêu hóa cứ tái phát. Dù tôi đã uống thuốc thường xuyên nhưng chứng viêm đại tràng không thấy thuyên giảm. Không hiểu có phải do tinh thần và những biến cố trong gia đình mà tôi có cảm giác như vậy hay không.

Tôi quyết định đi khám ở bệnh viện để có thể tìm ra câu trả lời và tạo sự yên tâm cho mình.

Tôi đến phòng khám của viện Quân y 17, Đà Nẵng. Sau khi nội soi, bác sĩ chẩn đoán trong trực tràng có khối u và hẹn bốn ngày sau lấy kết quả chính thức.

Bác sĩ bảo: “Chúng ta cần chờ kết quả sinh thiết để xác định là u lành hay ác. Thế nhưng, dù rơi vào tình huống nào, chị vẫn cần phải tiến hành phẫu thuật. Chị cần biết để chuẩn bị tinh thần”.

Tôi ra về. Chân bước đi trên những ngả đường của thành phố nhưng chẳng biết mình đang đi đâu. Thế nhưng sau đó tôi vẫn về được tới nhà. Suốt thời gian chờ kết quả khám bệnh, tôi nằm khóc ròng. Ngày Quốc tế phụ nữ, trong khi các phụ nữ khác vui vẻ nấu những bữa cơm ngon cho gia đình thì lòng dạ tôi như lửa đốt. Đó cũng là ngày tôi có kết quả chẩn đoán.

Rắn rỏi trước bệnh tật

Tôi giấu việc này và không chia sẻ với ai. Tôi lau nước mắt chạy xe đến bệnh viện. Kết quả sinh thiết cho thấy tôi bị ung thư trực tràng. Bác sĩ bảo: “Với tình trạng hiện tại, cô nên sắp xếp vào bệnh viện Chợ Rẫy trong TP. HCM, để điều trị. Cô vào đó càng sớm càng tốt, chậm ngày nào sẽ nguy hiểm cho tính mạng ngày ấy”. Sau đó, ông động viên tôi: “Cô cứ yên tâm, phát hiện sớm sẽ có phương pháp điều trị!”.

Tôi hỏi lại: “Nếu tôi chuyển ra bệnh viện K ở Hà Nội, có được không?”. Lúc đó, tôi rất lo lắng vì vào TP. HCM sẽ rất xa xôi, không người thân thích, trong khi nhà đang túng tiền. Nếu bệnh của tôi có thể ra Hà Nội điều trị, dù sao tôi cũng còn có gia đình mà bấu víu.

Sau đó, tôi cùng gia đình chuyển ra Hà Nội và ở tạm nhà bố đẻ của tôi. Tôi nhờ bố và em trai chăm nom hai con để mình có điều kiện bước vào quá trình điều trị tại bệnh viện 103.

Chồng tôi sau vài tháng sống tại Hà Nội không quen, anh trở vào Đà Nẵng, bỏ mặc tôi đang ốm đau và hai con thơ dại. Một lần, cơn đau hành hạ khiến tôi ngất xỉu, phải vào bệnh viện cấp cứu. Lúc tỉnh lại, tôi nghe loáng thoáng tiếng ai đó: “Bệnh nhân đã ung thư giai đoạn cuối rồi, cho về nhà thôi!”.

Nghe nói thế, tôi không dám nhắm mắt lại nữa. Tôi sợ nếu chết bây giờ, ai sẽ lo hai con. Qua cơn nguy kịch, tôi về nhà tịnh dưỡng. Cứ mỗi bốn tuần, tôi phải quay lại bệnh viện một lần để làm hóa trị trong mười ngày.

- Chị Trần Thị Khuê sinh năm 1971, cư ngụ tại Khu 6, Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
- Chị đang điều trị bệnh ung thư trực tràng tại bệnh viện 103, Hà Nội. Con gái lớn của chị tên Nguyễn Thị Trâm Anh, 12 tuổi, con út là Nguyễn Hưng Hà, 10 tuổi. Chị đang gửi 2 con cho bố ruột và người em trai chăm sóc.
- Hiện tại, chị tranh thủ thời gian dạy cho con tự lập như đi chợ, nấu cơm, rửa bát…
Tuy nhiên, về chi phí sinh hoạt và tiền học phí, các cháu vẫn phải sống dựa vào đồng lương ít ỏi của bố.
- Mỗi đợt điều trị của chị tốn chi phí trên năm triệu đồng. Số tiền ngày chủ yếu trông vào lương hưu của bố chị và sự giúp đỡ của bạn bè.

Những ngày nằm viện, tôi quen Khoa, một bệnh nhân cùng phòng. Tôi vẫn còn nhớ lúc hai chị em bên nhau, cậu ấy than: “Chị ơi, em đau quá, như có hàng trăm con kiến đốt ở sống lưng ấy!”.

Tôi hiểu cậu ấy đau buốt đến độ nào. Tôi nhìn lại thân thể mình, lúc này tóc đã rụng gần hết, hai tay nổi đầy gân xanh. Tôi đã vật lộn với căn bệnh gần một năm nên cơ thể hào mòn. Ở bệnh viện, những bệnh nhân như chúng tôi tự chăm sóc, động viên nhau.

Nửa tháng sau, Khoa mất. Cái chết của Khoa khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tội nghiệp cậu ấy, còn quá trẻ nên ra đi trong khắc khoải. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ ra đi.

Thế nhưng, cái chết không phải là lo lắng lớn nhất của tôi mà chính là các con. Chồng tôi dù có hồi phục nhưng trạng thái tinh thần của anh không ổn định. Anh ấy vẫn không thể quyết định mọi chuyện hoặc chăm sóc các con.

Bây giờ, hai con và tôi vẫn ở nhờ tại nhà ông ngoại. Mỗi lần nhìn Trâm Anh và Hưng Hà, tôi không khỏi ứa nước mắt. Nhiều lúc, tôi chỉ muốn ôm chầm lấy con và nựng nịu nhưng phải kiềm lại.

Tôi nghĩ đến ngày mình mất, chúng sẽ không còn được mẹ săn sóc, âu yếm nữa. Rồi chúng sẽ rất nhớ sự ôm ấp vỗ về của mẹ mà không thể vượt qua nỗi đau. Tôi đang tập cho các con mình bản lĩnh và sự cứng rắn. Tôi còn nghĩ, có lẽ sẽ dặn người thân đưa các con tránh đi đâu đó để chúng không phải chứng kiến đám tang mẹ.

Khoảng thời gian này, tôi đang cố gắng tự làm những gì có thể cho hai con. Tôi không còn thời gian để khóc hay oán trách số phận nữa bởi vì tôi biết quỹ thời gian của mình còn ít lắm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên