Rủi ro ít ngờ tới từ rau mầm trồng tại gia
Nếu hạt giống không an toàn, giá thể trồng không sạch, rau mầm tự trồng - thực phẩm được cho là an toàn, cũng có nguy cơ thành đồ độc hại.
Chỉ manh nha phát triển vài năm gần đây, nhưng hiện nay, nếu lên Google gõ cụm từ “hạt giống rau mầm”, chỉ 0,31 giây có ngay 357.000 kết quả với đủ chủng loại, xuất xứ.
Nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng
Tại một cửa hàng chuyên bán hạt giống rau mầm tại đường 3/2 (quận 10, TP HCM), hạt giống được trưng bày với nhiều loại khác nhau.
Theo nhân viên tại cửa hàng, tất cả hạt được nhập khẩu từ Italy và Australia. Tuy vậy, thực tế, trên bao bì, nhiều loại không ghi nguồn gốc, xuất xứ. Thậm chí, có loại bao bì mặt trước ghi xuất xứ từ Italy nhưng mặt sau lại ghi là Thái Lan.
Dễ trồng, giá trị dinh dưỡng cao nên rau mầm được thị trường ưa chuộng. Ảnh:N.Trí. |
Tại một cơ sở bán hạt giống rau mầm khác tại đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP HCM), tình trạng giống không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ còn phổ biến hơn. Người bán tại đây cho biết, khách muốn mua loại nào cũng có, từ hàng nhập khẩu đến trong nước. Giá của sản phẩm cũng khá đa dạng, rẻ nhất là hạt giống rau muống, giá 10.000 đồng một bịch 100 g, Hạt cải ngọt 13.000 đồng một túi 100 g, hướng dương 15.000 đồng một túi 50 g… Nếu khách mua cả cân, giá bán chỉ còn bằng 2/3.
Các loại hạt giống bán theo kg được đựng trong bao tải lớn khoảng 30 kg một bao, bên ngoài không có nhãn mác hay thông tin gì. Theo người bán, mỗi ngày cửa hàng bỏ sỉ cả tạ nhưng không mấy ai quan tâm về xuất xứ, thông tin hạt giống nên đơn vị này cứ thế bán mấy năm qua.
Dù chuyên cung cấp hạt giống cây trồng nhưng bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc công ty Dinh Dưỡng Tự Nhiên (quận 1, TPHCM), cũng thừa nhận thị trường hạt giống rau mầm đang rất bát nháo, “thượng vàng hạ cám”.
"Vấn đề lớn nhất hiện nay là chưa có sự phân biệt giữa rau lớn và rau mầm.
Về nguyên tắc, hạt giống rau lớn thường được ngâm qua thuốc bảo vệ thực vật nhưng thời gian sinh trưởng dài sẽ giúp phân hủy hết thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng nếu người mua hạt giống này về trồng rau mầm thì không nên, bởi với thời gian 5-7 ngày thu hoạch sẽ không phân hủy hết lượng thuốc tồn đọng trong hạt, ảnh hưởng cho cơ thể"
PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực- Trung tâm Khuyến nông quốc gia
“Công ty tôi bán giá rất cạnh tranh, như rau muống chỉ 9.000-10.000 đồng một bịch nhưng có nơi họ rao bán chỉ 6.000 đồng. Họ nói hàng trong nước giá rẻ, nhưng chúng tôi cũng từng bán hàng trong nước, không thể có giá đó”, bà Hương khẳng định.
Bà Trang, đại diện cửa hàng hạt giống Cô Long (đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh) thì cho biết, hiện trên thị trường khoảng 80% hạt giống rau mầm được nhập khẩu, trong đó có nhiều hàng Trung Quốc. Trong nước chỉ có một vài dòng giống như rau muống và cải các loại. Tuy nhiên, việc nhập khá nhiều nước và thông qua nhiều đầu mối phân phối khiến thị trường hạt giống rối loạn, mạnh ai nấy bán. "Trong nước hay ngoại nhập không biết đâu mà lần", bà Trang nhận xét.
Đồng quan điểm, bà Hương cho biết, hạt giống về nước thường do các đại lý cấp dưới “chia năm xẻ bảy”. Các đơn vị này có thể tự đóng túi nhỏ hoặc bán kg tùy thích, cũng là nguyên nhân khiến chất lượng thiếu ổn định.
Khách hàng chọn mua hạt rau mầm tại một cửa hàng hạt giống ở quận Bình Thạnh. Ảnh:N.Trí. |
Hạt giống ngâm thuốc, giá thể bẩn có thể gây độc
Theo bà Hương, hạt giống rau mầm là loại đặc biệt, không phải như giống rau bình thường trồng ra cây trưởng thành. Loại này được sản xuất nhấn mạnh tỷ lệ nảy mầm, nên có hạn sử dụng thấp, chỉ khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, người bán có thể bất chấp sức khỏe người dùng bằng cách ngâm thuốc trừ sâu hay chất bảo quản để tăng hạn sử dụng gấp 2-3 lần.
“Thời gian trồng đến thu hoạch chỉ 5-7 ngày nên rau mầm thành phẩm không thể phân hủy hết các chất độc hại từ giống. Nếu mua phải giống rau kém chất lượng, rủi ro là có thể”, bà Hương khẳng định. Tuy nhiên chủ cửa hàng này cũng thừa nhận, bình thường, ngay cả những người có kinh nghiệm cũng rất khó nhận biết đâu là hạt giống “sạch” đâu là hạt giống “bẩn” bởi hình dạng bên ngoài của những loại này không khác nhau nhiều. Chất lượng chủ yếu nằm cái tâm người bán.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, cho biết, phần lớn các hạt giống thường được ngâm qua thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nếu người dân trồng dài ngày và cách ly, rau có thể không độc hại do thuốc đã phân hủy hết. Tuy nhiên, điều kiện để các loại hóa chất này phân hủy tốt là phải trồng rau dài ngày và ở điều kiện ánh sáng và môi trường tự nhiên. Đối với rau mầm, do trồng trong điều kiện ẩm, thiếu sáng nên, nếu hạt ngâm thuốc thì không thể phân hủy hết được.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên mua rau có 3 lá mầm và chọn hạt giống đảm bảo chất lượng, xuất xứ cũng như hạn dùng. Ảnh:N.Trí. |
Ngoài hạt giống, nhiều người có kinh nghiệm trồng rau mầm cũng cho rằng, quá trình trồng vẫn có tình trạng sử dụng các hóa chất can thiệp vào quá trình sinh trưởng hoặc xử lý giá thể.
Theo bà Trang, rau mầm trồng trong điều kiện độ ẩm cao nên thường gặp tình trạng nấm mốc sau 1-2 ngày gieo hạt. Nấm lây lan nhanh và có thể làm lượng rau thành phẩm bị hỏng. “Để ức chế nấm này, chúng tôi khuyến khích dùng dùng phương pháp sinh học là sử dụng hợp chất EM (Vi sinh vật hữu hiệu), thay vì dùng các phương pháp hóa học để xử lý”, bà Trang nói.
Cũng theo bà Hương, các nguyên tắc cần tuân thủ trong trồng rau mầm gồm có không sử dụng đất thật, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vệ và nước bẩn. Ngoài ra, việc xử lý giá thể để tái sử dụng không được áp dụng phương pháp hóa học. “Xử lý hóa học sẽ cho ra giá thể thiếu an toàn, khiến rau mầm trồng ra không chất lượng. Hãy dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo sức khỏe người dùng”, bà Hương nói.