Làm rõ hơn nữa vai trò của PVN khi sửa Luật Dầu khí
VOV.VN - Tại hội thảo về Luật Dầu khí (sửa đổi) do Viên Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 1/10/2022, các chuyên gia cho rằng, cần tăng phân cấp, phân quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và làm rõ "vai" khi doanh nghiệp này đại diện nhà nước thực hiện hoạt động dầu khí.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, góp ý lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Dự luật này đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10/2022. Dự luật Dầu khí (sửa đổi) dành một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN.
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, việc trao thêm quyền cho PVN ở khâu phê duyệt kế hoạch đại cương thông thường sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí.
Thực tế, nhiều dự án tiềm năng vừa qua triển khai chậm do vướng mắc khâu đàm phán, phân quyền... dẫn tới bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt. Chẳng hạn, có dự án khí khi khởi động cách đây 20 năm, giá khí ở thời điểm đó tính toán chỉ 3 USD, nhưng sau nhiều năm đàm phán kéo dài, vướng mắc ở phân định thẩm quyền quyết định, dự án này vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó, giá khí hiện đã tăng lên vài chục USD... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư dự án. Vì thế, tăng phân cấp, trao thêm quyền cho PVN để tăng tính tự chủ, góp phần tạo làn sóng bùng nổ mới về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí... là cần thiết.
Nhưng chuyên gia cũng lưu ý cần có quy định để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", né trách nhiệm, gây tổn thất và kiện tụng. PVN là doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực hoạt động, quản lý là ngành kinh tế quan trọng, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng. Vì thế, đề nghị bổ sung các quy định về kiện toàn bộ máy, tổ chức của PVN để tương xứng với vai trò, chức năng được giao.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, dự luật mới nhất vẫn chưa phân tách rõ vai trò của PVN: quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và là doanh nghiệp, nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Uỷ viên ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, đặt vấn đề, PVN là doanh nghiệp nhà nước thì có chức năng quản lý nhà nước hay không, dù theo dự thảo luật là giúp nhà nước quản lý nguồn tài nguyên quốc gia.
Do đó, ông nhấn mạnh, luật sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của PVN trong ký kết với nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ./.