Những câu chuyện truyền cảm hứng về phụ nữ vươn lên trong đại dịch
VOV.VN - Từ đầu năm 2020 đến nay, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động của dịch bệnh. Nhưng không vì đó mà họ chùn bước, ngược lại, họ có thêm động lực để tiến về phía trước, đặc biệt khi luôn có sự đồng hành từ các tổ chức, DN sẵn sàng hỗ trợ, trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Phụ nữ Việt bản lĩnh vượt qua đại dịch, làm chủ cuộc sống
Tại Việt Nam, hầu hết phụ nữ bị suy giảm thu nhập, bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn tài chính hay các dịch vụ xã hội, gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần…
Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Thinh - một nông dân ở Bến Tre - dịch đến khiến đầu ra cho trái sầu riêng chị trồng gặp khó. Sầu riêng sau khi thu hoạch bán giá cũng không cao. Giãn cách kéo dài “từ tuần đến tháng” khiến nguồn phân thuốc sử dụng chăm bón cây cũng gặp khó khăn do vận chuyển chậm.
Hay như chị Bùi Thị Hà – chủ kinh doanh tương tại Nghệ An, dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm do không thể bán hàng và vận chuyển hàng. Trong hai tháng thực hiện CT16, chị Hà không thể bán với quy mô lớn mà chỉ bán lẻ cho các hộ gia đình xung quanh, trong khi lượng tương đã sản xuất đã rất lớn, tầm 6.000 lít. Vì thế doanh thu giảm sút nghiêm trọng, hàng tồn kho chất đống, lo sợ phải tiêu hủy vì hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, thử thách không làm chùn bước những người phụ nữ kiên cường này, mà đã trở thành động lực để họ tìm kiếm các giải pháp, vươn lên hoàn cảnh, thay đổi cuộc chơi.
Từ tình yêu với trái sầu riêng quê hương, chị Nguyễn Thị Thinh chủ động đổi mới để tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh Covid-19. Tham gia khóa tập huấn từ chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” của nhãn hàng Sunlight từ công ty Unilever Việt Nam, chị đã được hướng dẫn những kênh bán hàng hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm, trong đó có kênh bán hàng online.
Sau dịch, với số vốn được tài trợ khi dự án của mình đạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng Phụ nữ Khởi sự Kinh tế, chị Thinh cũng dự kiến mở rộng mô hình tổ hợp tác sản xuất, không những bán trái tươi mà còn chế biến cơm sầu riêng cấp đông nguyên trái, làm kẹo, bánh, mứt và kết hợp mô hình du lịch tham quan, chụp ảnh tại vườn…nhằm đa dạng hóa các hình thức để có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng về phụ nữ vươn lên lấy lại vị thế kinh tế, chị Bùi Thị Hà quyết không bỏ cuộc kể từ khi được tham dự lớp tập huấn “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Nhờ những kiến thức từ buổi tập huấn, ngoài kênh phân phối chính là tiệm tạp hóa địa phương và các vùng lân cận, chị còn lập trang Facebook và Zalo để giới thiệu sản phẩm và giao dịch với khách hàng để lan tỏa thương hiệu giúp lượng khách hàng ngày càng tăng.
Đặc biệt, chị đã nghĩ ra việc phân phối hàng hóa cho những người bán online khác để giúp tăng doanh số kinh doanh. Hiện tại sau dịch, với nguồn vốn của bản thân cũng như từ giải thưởng, chị dự kiến xây dựng theo mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, đăng ký kinh doanh, kiểm định và công bố chất lượng sản phẩm để phát triển hơn.
Từ “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” đến trao quyền cho phụ nữ khắp cả nước
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” là sáng kiến từ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Sunlight, phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2020 nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn, bán thành thị, khu vực khó khăn được theo đuổi mơ ước tự kinh doanh, khởi nghiệp, tự lập về kinh tế, chủ động trong cuộc sống.
“Unilever tin rằng phụ nữ ngày nay có đầy đủ khả năng để đảm đương nhiều vai trò, vị thế khác nhau trong cuộc sống. Không dừng lại trong vai trò người phụ nữ trong căn bếp của gia đình, các chị em hoàn toàn có khả năng và đủ tự tin để theo đuổi đam mê, đặc biệt quan trọng là độc lập về tài chính, tự chủ về kinh tế”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đồng hành cùng phụ nữ khởi sự kinh doanh, làm kinh tế với nhãn hàng Sunlight, các nhãn hàng khác tại Unilever cũng đồng hành cùng nữ giới vượt qua những thách thức và các chuẩn mực giới tính để theo đuổi giấc mơ sự nghiệp, phá bỏ định kiến bất lợi về ngoại hình và xây dựng sự tự tin, từ đó hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Điển hình, hai nhãn hàng Sunsilk và Dove của Unilever đã tiên phong thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nữ giới.
Sunsilk với chiến dịch “Bung mình tỏa sáng – Bung ước mơ riêng” đã mang đến nguồn cảm hứng để các bạn gái trẻ với những trăn trở sự nghiệp có thể tự tin và quyết tâm theo đuổi công việc mơ ước mà không bị giới hạn bởi những định kiến bất bình đẳng giới của xã hội.
Hay chiến dịch “Mái tóc của tôi, lựa chọn của tôi” từ nhãn hàng Dove đã trở thành người bạn đồng hành cùng nữ giới để nói lên những câu chuyện, trải nghiệm của chính mình khi thể hiện bản sắc cá nhân, từ đó truyền cảm hứng cho phụ nữ để họ cảm thấy tích cực, tự tin về ngoại hình của bản thân, xóa bỏ những ám ảnh ngoại hình bởi những đánh giá, định kiến về giới của xã hội.
Những nỗ lực cộng hưởng từ các nhãn hàng tại Unilever đã giúp doanh nghiệp tiên phong thực hiện cam kết xã hội về bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển bền vững, hướng đến mục đích tốt đẹp và phù hợp với tương lai. Được vinh danh ở vị trí cao nhất ở hạng mục “Bình đẳng giới tại thị trường” tại giải thưởng WEPs năm 2021 chính là minh chính rõ nét cho những nỗ lực này từ Unilever Việt Nam.
Trong vòng 5 năm tới, Unilever Việt Nam đặt mục tiêu trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến 1 triệu phụ nữ Việt Nam thông qua ba trụ cột chính: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp, và Loại bỏ những định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ./.