Tập đoàn FLC và PetroTrade ký hợp tác đầu tư tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Lào
VOV.VN - Hai bên hợp tác để tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển Dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đoạn từ Cảng Vũng Áng đến Cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình.
Ngày 21/3, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Tập đoàn FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng kết nối Lào - Việt Nam. Lễ ký kết diễn ra trong Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Lào, thuộc khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Bộ Kế hoạch Và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam tại Lào từ ngày 21 – 23/3.
Sự kiện có sự tham dự của ông Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Lào, Chủ tịch Uỷ ban hợp tác Lào - Việt Nam; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào; ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào và đông đảo doanh nghiệp lớn hai nước.
Cầu nối chiến lược
Theo biên bản ghi nhớ, Tập đoàn FLC và Petro Trade Lào sẽ cùng hợp tác để tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển Dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đoạn từ Cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Quảng Bình (Việt Nam). Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng chiều dài khoảng 400 km, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Bày tỏ sự vui mừng trước hợp tác được ký kết, ông Chanthone Siththisay, Chủ tịch PetroTrade tin tưởng với thế mạnh và tiềm lực của hai tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam và Lào, dự án sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại triển vọng phát triển kinh tế cho cả hai bên.
Về phía FLC, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC kỳ vọng biên bản ghi nhớ sẽ là cơ sở thuận lợi để hai bên nhanh chóng triển khai các nội dung hợp tác cụ thể, với mục tiêu đưa dự án khởi công ngay trong quý IV năm 2022.
Tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Lào là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ hai nước quan tâm, đồng thuận phát triển, nhằm phát huy hiệu quả vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.
Cụ thể, cảng Vũng Áng là cửa ngõ giao thông giữa miền Trung Việt Nam, miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt sẽ kết nối trực tiếp thị trường hàng hóa của Lào, Thái Lan, Myanmar với cảng Vũng Áng của Việt Nam, thúc đẩy giao thương thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án cũng tạo lợi thế rộng mở cho doanh nghiệp Việt – Lào trong việc hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước.
Được biết, Petro Trade là doanh nghiệp hàng đầu tại Lào, hoạt động chính trong lĩnh vực xăng dầu, xây dựng, thương mại, logistics; đồng thời là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong việc đầu tư, phát triển và quản lý nhiều dự án hạ tầng, hậu cần quan trọng tại đất nước này, trong đó có đường sắt Vientiana - Vũng Áng.
Còn FLC là một trong những doanh nghiệp đa ngành hoạt động năng động và hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực trụ cột là bất động sản, hàng không, du lịch nghỉ dưỡng. FLC cũng là doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT Việt Nam giới thiệu chính thức tới Chính phủ Lào để bàn thảo, nghiên cứu kế hoạch đầu tư, phát triển dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng trong tháng 2/2022 trước đó.
Cơ hội hợp tác rộng mở
Phát biểu tại toạ đàm, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC cho biết, Việt Nam và Lào có chung hơn 2.337 km đường biên giới đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam và 33 cửa khẩu. Khoảng cách kết nối từ Thủ đô Hà Nội tới Thủ đô Vientiane cũng rất nhanh chóng chỉ với hơn 1 giờ bay thẳng. Đây là những tiềm năng rất lớn để hai nước hợp tác phát triển các lĩnh vực như hạ tầng và du lịch, dịch vụ.
Tuy nhiên theo bà Dung, hợp tác du lịch giữa Việt Nam - Lào trong thời gian qua chưa tương xứng tiềm năng. Ngay cả trước đại dịch Covid-19, trao đổi khách du lịch giữa hai nước cũng chỉ đạt chưa đến 1 triệu lượt khách/năm.
“Với kinh nghiệm trong việc triển khai và vận hành thành công chuỗi dự án du lịch trọng điểm trên khắp Việt Nam, trong đó có 5 tỉnh chung đường biên giới với Lào từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, FLC mong muốn xây dựng chiến lược đầu tư mở rộng tại Lào với các dự án quy mô có sức lan tỏa. Qua đó, tạo ra một hệ sinh thái kết nối du lịch hai nước, thúc đẩy du khách từ Lào đến các thành phố du lịch Việt Nam, cũng như đưa khách du lịch Việt Nam đến Lào”, bà Dung nói.
Bên cạnh tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng, Tập đoàn FLC đề xuất Chính phủ Lào tạo điều kiện để doanh nghiệp được nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô trong lĩnh vực nghỉ dưỡng – sân golf, hàng không, khai khoáng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng và hiệu quả.
Phát biểu kết luận hội nghị, hai Bộ trưởng đánh giá cao các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Lào đã có sự chủ động trao đổi, thảo luận để tiến tới các thoả thuận hợp tác quan trọng trong việc nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước thời gian tới.
Điển hình như những đề xuất đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các đề nghị đầu tư này rất khả thi, đặc biệt là các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf, giải trí quy mô lớn tại Vientiane hoặc Luông Pha Băng. Đây không chỉ là những lĩnh vực mà Tập đoàn FLC có thế mạnh về kinh nghiệm, khả năng, tiềm lực, đồng thời cũng là những lĩnh vực tiềm năng mà hai nước Việt Nam và Lào có cơ hội hợp tác rất lớn.
“Hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho chúng ta là phải đặt mục tiêu cao hơn và đổi mới cách làm để hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.