Doanh nghiệp chung sức cùng người dân khôi phục cuộc sống sau thiên tai
VOV.VN - Unilever không chỉ cung cấp các giải pháp hỗ trợ tức thời mà còn góp phần tạo ra những chương trình phát triển bền vững dài hạn, đồng hành cùng cộng đồng trong việc phục hồi và tái thiết sau thiên tai.
Đã gần 1 tháng kể từ khi cơn bão lịch sử Yagi tàn phá miền Bắc, nhưng những tổn thất mà nó để lại vẫn hằn sâu trong cuộc sống của người dân. Không chỉ là mất mát kinh tế, đó còn là nỗi lo về sức khỏe, môi trường và sinh kế của hàng nghìn gia đình. Công tác khắc phục hậu quả sau bão sẽ còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay góp sức của chính quyền, người dân và các doanh nghiệp.
Nhiều gia đình loay hoay tìm cách vực dậy kinh tế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9, tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ lên tới hơn 81 nghìn tỉ đồng. Hơn 282.000 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 285.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi;... Nhiều hộ dân phải sơ tán do ngập lụt, hàng nghìn gia đình rơi vào tình trạng mất nhà cửa, mất kế sinh nhai.
Trước tình hình trên, bên cạnh các khoản hỗ trợ tức thời, nhiều hoạt động mang tính thiết thực, bền vững và lâu dài cũng được nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng thực hiện, trong đó có thể kể đến chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Unilever Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện, khởi động từ năm 2020 nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng khởi sự kinh doanh, qua đó thúc đẩy chị em phụ nữ độc lập tài chính, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dự kiến trong 6 đến 12 tháng tới, Chương trình Phụ nữ làm kinh tế tiếp tục được triển khai, tập trung vào khu vực miền Bắc, đặc biệt những địa phương chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhằm hỗ trợ phụ nữ mạnh mẽ vực dậy kinh tế gia đình sau những thiệt hại nặng nề về cả người lẫn của.
Sạt lở, lũ quét - Phòng hơn chống
Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng thường bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, vì vậy, lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Trong khi đó, tình hình lũ quét và sạt lở đất thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái, đòi hỏi những biện pháp kịp thời như trồng cây gây rừng nhằm cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm, chống xói mòn đất, đồng thời phòng chống những hậu quả về lâu dài.
Từ năm 2019, nhãn hàng OMO đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh” nhằm thực hiện cam kết trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn đến năm 2025. Tính đến hết năm 2023, hơn 630,000 cây xanh đã được trồng, 80,000 hạt giống đã được gieo tại 21 tỉnh thành và 10 vườn quốc gia trên khắp cả nước. Hành trình này sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới với mục tiêu trồng 300,000 cây xanh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, nhằm tái tạo hệ thống đất đai và đa dạng sinh học, bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân trước tình hình biến đổi khí hậu.
Chăm sóc và cải thiện sức khỏe cộng đồng
Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những nơi bị lũ lụt nặng như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, gặp nhiều thách thức. Gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da gây suy thận nguy hiểm. Khi nguồn nước, thực phẩm và môi trường bị ô nhiễm sau mưa lũ, điều kiện vệ sinh kém đã tạo ra những rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Minh Điền (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sau bão lũ là thời điểm phát triển các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy nhiễm khuẩn. Đây cũng là khoảng thời gian có nguy cơ bùng phát các bệnh về đường hô hấp, viêm giác mạc và đau mắt đỏ.
Trong thời gian này, Bộ Y tế cũng đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi để đánh giá thiệt hại, công tác ứng phó và có phương án hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vệ sinh và chăm sóc cá nhân cũng đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức địa phương nhằm triển khai các kế hoạch dài hạn.
Lifebuoy, hiện đang phối hợp cùng Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam để tổ chức các hoạt động khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình và trẻ em tại 30 tỉnh thành trên toàn quốc. Tiếp nối sứ mệnh “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”, Lifebuoy dự kiến sẽ triển khai chương trình tại các tỉnh khu vực miền Bắc nhằm hỗ trợ ổn định sức khỏe cộng đồng và nâng cao nhận thức về vệ sinh, từ đó giảm thiểu rủi ro bùng phát bệnh hậu thiên tai.
Vì ngôi nhà chung Việt Nam vững vàng
Sau bão số 3, miền Bắc đã chịu ảnh hưởng nặng nề trước sự tàn phá của thiên nhiên, nhưng hiện đang từng bước khắc phục nhờ tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền. Unilever không chỉ cung cấp các giải pháp hỗ trợ tức thời mà còn góp phần tạo ra những chương trình phát triển bền vững dài hạn, đồng hành cùng cộng đồng trong việc phục hồi và tái thiết sau thiên tai.
Cùng với đó, các cơ quan chính quyền cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, từ việc hỗ trợ sinh kế, phòng chống sạt lở, đến việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng sau bão. Những hành động này, dù lớn hay nhỏ, đều thể hiện tinh thần “tất cả vì ngôi nhà chung” và cam kết vững vàng vì một tương lai bền vững cho Việt Nam. Trong nghịch cảnh, sự kiên cường của cả cộng đồng sẽ là chìa khóa giúp miền Bắc nói riêng, và cả nước nói chung, nhanh chóng vượt qua và hồi sinh sau bão.