Xu thế mới của các trung tâm thương mại hậu Covid-19
VOV.VN - Thống kê cho thấy, bán lẻ truyền thống sẽ tiếp tục là mũi nhọn của Việt Nam từ nay đến năm 2030. Các nhà bán lẻ liên tiếp tìm kiếm mạng lưới bán hàng linh hoạt và nhạy bén hơn để đáp ứng sở thích của người tiêu dùng.
Bán lẻ là một thị trường rất đặc biệt khi tất cả các ngành hàng lao đao vì dịch bệnh thì thị trường này vẫn “một mình một ngựa” giữ được mức tăng trưởng nhất định.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 365,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 13,2%, chủ yếu do các cơ sở kinh doanh trong tháng giới thiệu nhiều chương trình khuyến mại đã thu hút người tiêu dùng tới mua sắm; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47.400 tỷ đồng, tăng 3,3% và giảm 6,5%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).
Mặc dù xu hướng thay đổi thói quen sang mua sắm trực tuyến, nhưng không thể phủ định rằng, mua sắm trực tiếp vẫn còn là thói quen khó thay đổi của đại đa số người dân. Mua sắm trực tiếp vẫn phát huy lợi thế không thể thay thế cho khách hàng khi được trải nghiệm thực tế, được chăm sóc - tư vấn,…
Theo nghiên cứu “Covid-19 – Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?” của công ty nghiên cứu và đo lường thị trường toàn cầu Nielsen, khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống, ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết, thói quen của họ đã có sự thay đổi lớn trong thời gian gần đây khi địa chỉ mua sắm, ăn uống ven đường được thay thế bằng trung tâm thương mại (TTTM) bởi sự an toàn từ công tác phòng chống dịch đến các khâu vệ sinh, khử trùng và cũng là nơi luôn có mức giá tốt để mua sắm.
Do đó, theo bà Trần Thị Thu Hà, quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam, hầu hết các ngành hàng trong ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung theo một lẽ tự nhiên luôn cần sự đổi mới và sáng tạo để thích ứng với thị hiếu thường xuyên biến đổi của người tiêu dùng.
Vậy xu thế trong giai đoạn hiện nay là gì? Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, nhìn về tương lai, trung tâm thương mại vốn là điểm hút khách với dịch vụ "all-in-one" (tất cả trong một) thì nay sẽ càng được nhiều người tin tưởng.
Trên thị trường, có khá nhiều TTTM "all-in-one" (tất cả trong 1) đang hoạt động tốt như BigC, Vincom hay Aeon Mall. Các công ty này luôn có các bước cải tiến về hình thức, mô hình, cách thức hợp tác với các khách thuê khác nhau để phù hợp với thị trường và không ngừng mở rộng quy mô ra bên ngoài những thành phố lớn.
Gần đây nhất, AEONMALL Việt Nam đã chính thức mở cửa AEON MALL Hải Phòng Lê Chân là TTTM “all-in-one” đầu tiên tại thành phố Hải Phòng với hàng ngàn thương hiệu Nhật Bản và quốc tế nổi tiếng trên toàn thế giới lần đầu tiên có mặt tại Hải Phòng như: Kohnan, Adidas originals, Pedro, MLB... nhằm phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại thành phố cảng này.
Bên cạnh hoạt động mua sắm, hệ thống các trung tâm giáo dục là nơi trẻ nhỏ có thể tham gia các hoạt động phát triển thể lực và tri thức; không gian xanh với 10.000 cây xanh bao phủ quanh TTTM; Hội trường AEON HALL với sức chứa lên đến hơn 500 khách là không gian lý tưởng để tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa dành cho cộng đồng.
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Công ty AEONMALL Việt Nam cho biết, Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân là bước đi vững chắc đầu tiên của AEONMALL Việt Nam khi tiến vào thị trường tiềm năng nhưng đầy cạnh tranh này.
Với quan điểm và triết lý kinh doanh lấy khách hàng là tâm điểm phát triển, AEONMALL Việt Nam nói chung là AEON MALL Hải Phòng Lê Chân nói riêng sẽ hoàn thiện vòng trải nghiệm dịch vụ cho mọi khách hàng./.