10 lời khuyên hữu ích giúp nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ
VOV.VN - Sự tự tin của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ nuôi dạy, giáo dục trẻ. Một đứa trẻ tự tin sẽ biết yêu thương bản thân, biết mình là ai, mình muốn gì và cần làm những gì. Và dưới đây là 10 lời khuyên giúp nuôi dưỡng sự tự tin cho con bạn.
Yêu thương con bạn
Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng đó là điều quan trọng nhất mà bạn có thể dành cho con mình. Ngay cả khi bạn làm điều đó một cách không hoàn hảo thì hãy luôn dành tình yêu thương cho trẻ. Con bạn cần cảm thấy được chấp nhận và yêu thương, bắt đầu từ từ gia đình và mở rộng ra các mối quan hệ khác như bạn bè, bạn cùng trường, đội nhóm thể thao và cộng đồng. Nếu bạn la mắng, phớt lờ hoặc mắc một số sai lầm trong việc nuôi dạy con cái, hãy nói với con rằng bạn xin lỗi và luôn yêu chúng. Tình yêu vô điều kiện sẽ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự tự tin ở trẻ.
Khen ngợi đúng cách
Hãy khen ngợi con bạn và phản hổi tích cực vì con trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ đo lường giá trị và thành tích của chúng bằng những gì bạn nghĩ. Nhưng hãy thực tế trong lời khen ngợi của bạn. Nếu trẻ không thành công khi làm một điều gì đó hoặc không thể hiện được tài năng ở một kỹ năng cụ thể nào đó, hãy khen ngợi nỗ lực của trẻ chứ không phải khen ngợi kết quả một cách phi thực tế. Hãy trấn an con bạn rằng, chẳng sao cả nếu con không thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Nói với trẻ rằng, một số việc cần nỗ lực và luyện tập lặp đi lặp và khi nỗ lực hết sức, con có thể làm tốt hơn.
Giúp con đặt ra mục tiêu thực tế
Khi con bạn bắt đầu chơi bóng đá, thật tuyệt khi con nghĩ rằng mình sẽ được vào đội tuyển Olympic. Nhưng nếu con không thể lọt vào đội tuyển bóng đá của trường và vẫn nghĩ rằng mình sẽ là một cầu thủ tầm cỡ Olympic thì con bạn cần tập trung vào những mục tiêu thực tế hơn. Hãy hướng dẫn con bạn đặt mục tiêu hợp lý để tránh cảm giác thất bại. Nếu mục tiêu là một chặng đường dài, hãy cùng con thảo luận về những bước ngắn hạn cần đạt được trên lộ trình đó.
Làm mẫu cho con về sự tự tin
Bạn phải tự tin, yêu thương bản thân mình trước thì mới có thể dạy con bạn yêu thương chính mình. Bạn có thể làm gương bằng cách tự thưởng và khen ngợi bản thân khi bạn làm tốt điều gì đó. Chẳng hạn như bạn tham gia giải chạy marathon, được thăng chức tại nơi làm việc hay tổ chức một bữa tiệc tối thành công, hãy cùng con ăn mừng những thành công đó. Hãy nói về những kỹ năng, tài năng và nỗ lực cần thiết để bạn đạt được những thành tựu đó. Khi trò chuyện với con, bạn có thể nhắc nhở trẻ về những kỹ năng mà trẻ có và chúng có thể phát triển, sử dụng kỹ năng đó thế nào.
Dạy con biết đứng lên sau thất bại
Không ai thành công trong mọi việc mọi lúc. Sẽ có những bước lùi, thất bại, chỉ trích và đau đớn. Bạn hãy dùng những trở ngại này để dạy con học hỏi kinh nghiệm thay vì chìm đắm trong cảm giác thất bại. Điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được cảm xúc của con bạn xem chúng cảm thấy thế nào vào lúc này, hơn là nói những câu như: “Vui lên đi con”. “Con không nên cảm thấy tồi tệ như vậy”. Điều này giúp trẻ học cách tin tưởng vào cảm xúc của mình và thoải mái chia sẻ chúng. Trẻ sẽ học được rằng thất bại là một phần của cuộc sống và có thể quản lý được. Ví dụ, nếu con bị điểm kém trong bài kiểm tra, đừng khiến con thấy tệ hại hơn với những lời thương cảm hay chỉ trích chúng. Thay vào đó, hãy nói về những cách giúp con làm tốt hơn vào lần sau và khi trẻ làm được, chúng sẽ tự hào về thành tích của mình.
Gieo mầm tính độc lập và phiêu lưu cho trẻ
Những đứa trẻ tự tin sẵn sàng thử những điều mới mà không sợ thất bại. Để khơi dậy tính độc lập và thích phiêu lưu ở trẻ, bạn hãy đặt ra những tình huống mà trẻ có thể tự làm mọi việc và cho trẻ không gian tự làm dưới sự giám sát của bạn. Ví dụ như, cho trẻ xem cách làm một chiếc bánh mì sandwich và sau đó để trẻ thử làm mà không cần bạn cùng làm.
Hãy khuyến khích trẻ khám phá, cho dù đó là chuyến đi đến một công viên mới hoặc những món ăn mới trong bữa ăn. Các chuyến đi chơi, sở thích mới, kỳ nghỉ và chuyến đi cùng bạn bè đều có thể mở rộng tầm nhìn của trẻ và xây dựng sự tự tin về khả năng xử lý các tình huống mới cho con bạn.
Khuyến khích con hoạt động thể chất
Hãy tìm một hoạt động thể chất mà trẻ yêu thích và khuyến khích con tham gia, dù đó là khiêu vũ, võ thuật, đi xe đạp hay đi bộ. Khi chơi thể thao hay các hoạt động thể chất khác, trẻ học được rằng mình có thể thực hành, cải thiện và đạt được mục tiêu. Và còn rất nhiều lợi ích khác, đó là trẻ học cách nhận ra điểm mạnh của mình, chấp nhận và củng cố những điểm yếu, xử lý thất bại, mở rộng vòng kết nối bạn bè và học cách làm việc theo nhóm. Thêm vào đó, khi chơi thể thao, các hoạt động thể chất giúp trẻ giữ gìn vóc dáng và học cách tôn trọng cơ thể mình.
Ủng hộ con theo đuổi đam mê
Mọi người đều vượt trội về điều gì đó và thật tuyệt khi con bạn khám phá ra điều này. Là cha mẹ, hãy tôn trọng và khuyến khích sở thích của con bạn, khen ngợi con khi chúng đạt được điều gì đó khi theo đuổi sở thích, ước mơ của mình. Nếu tài năng của con bạn là chơi guitar trong một ban nhạc, hãy ủng hộ sở thích của con miễn là điều đó không ảnh hưởng đến việc học ở trường. Điều này không có nghĩa là bạn cho đứa con đang ở độ tuổi vị thành niên có quyền ở ngoài cả đêm hay hút thuốc…
Đặt ra các quy tắc và duy trì sự nhất quán
Mỗi gia đình sẽ có những quy tắc khác nhau và chúng sẽ thay đổi theo thời gian dựa trên độ tuổi của con bạn. Học và tuân theo các quy tắc mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và tự tin. Ngay cả khi con bạn nghĩ rằng các quy tắc của bạn là quá nghiêm khác, trẻ sẽ tự tin vào những gì mình có thể và không thể làm khi bạn đặt ra các quy tắc và thực hiện chúng một cách nhất quán. Khi lớn hơn, trẻ có thể đưa ra ý kiến đóng góp về các quy tắc đó.
Dạy con tự tin trong các mối quan hệ
Tự tin trong các mối quan hệ là chìa khóa cho sự tự tin của con bạn. Mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất là mối quan hệ cha mẹ - con cái, sau đó là các mối quan hệ rộng hơn. Trong các mối quan hệ, bạn hãy giúp con thấy hành động của trẻ ảnh hưởng đến người khác như thế nào và giúp con học cách duy trì sự tự tin bên trong khi hành động của người khác ảnh hưởng đến con. Là cha mẹ, vai trò của bạn không phải là giải quyết mọi tình huống giúp con mà là dạy cho trẻ lòng trắc ẩn, sự tốt bụng, tính quyết đoán và sự tự tin để xử lý những vấn đề của các mối quan hệ./.