15 điều chỉ khi trưởng thành ta mới hiểu được cho mẹ cha
VOV.VN - Cha mẹ luôn là chủ đề muôn thuở bởi công đức sinh thành dưỡng dục quá lớn, mà chúng ta cứ nói mãi, kể mãi cũng không hết.
Khi đến tuổi trưởng thành, cũng là lúc ta phải bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ, ngày đó ta vui mừng thoải mái bao nhiêu vì nghĩ sắp được tự do bay nhảy, làm điều mình thích, thì bây giờ ta cũng có bấy nhiêu tiếc nuối, xót xa mỗi khi nghĩ về cha mẹ.
Vào đời rồi, chẳng ai cằn nhằn nhắc nhở, cũng chẳng ai đánh roi nào, nhưng sao ta lại cảm thấy đau đến thế. Đi làm bị đồng nghiệp chơi xấu, rồi bị đuổi việc, áp lực đến phát điên, mệt mỏi đến sắp khóc, cũng chẳng dám làm ầm lên như ngày bé. Kiếm tiền rồi mới hiểu, cha mẹ khổ cực thế nào để nuôi mình từng ấy năm. Là khi nhận ra cuộc đời lắm bon chen thị phi, và có cha mẹ, mới là điều tuyệt vời nhất.
1. Lúc nhận được tiền bố mẹ gửi cho, tiền chẳng bao nhiêu nhưng lại gói thành một cục to. Mở ra thì toàn 5 nghìn, 10 nghìn cho đến 20 nghìn. Cảm thấy chua xót tận cùng, vì tiền này mẹ phải bán rau mỗi sớm dành dụm mới có được.
2. Mẹ bảo cứ yên tâm mà đi chơi với lớp không phải tiếc tiền gì đâu. Tuổi trẻ là phải đi, phải trải nghiệm cho biết không sau này không đi được lại hối hận con à. Nhưng trong lòng chỉ nghĩ, vậy còn mẹ, cuộc đời mẹ sẽ đi về đâu.
3. "Con cứ cố gắng học Đại học cho tốt, bố mẹ dù có phải ăn rau ăn cháo cũng lo được tiền học cho con". Và 4 năm ròng rã sau đó trôi qua, mỗi một ngày cha mẹ đều bước qua không dễ dàng chút nào.
4. Đi làm kiếm tiền mới thấy đồng tiền có được không hề dễ dàng gì. Là bao nhiêu mồ hôi nước mắt hay thậm chí là đổ máu mới có được. Sếp thì khó tính, đồng nghiệp lại ganh đua chơi xấu, tìm mọi cách chà đạp lẫn nhau để leo lên vị trí tốt hơn. Nhớ lại ngày bé cảm thấy cuộc sống thật thoải mái, chẳng phải lo gì, nhưng đâu biết vì ngày ấy bao nhiêu vất vả, đớn đau đều được bố mẹ chịu thay hết.
5. "Con à, cố gắng đợi 2 ngày nữa mẹ bán xong đàn lợn rồi mẹ gửi tiền lên cho đóng học phí nhé". Đọc được đoạn này, cả người cũng lặng đi, đàn lợn vẫn chưa đủ cân để bán, bố mẹ lại phải bán đổ bán tháo rồi.
6. Lúc còn đi học được bố mẹ nuôi tất, tiền không có cũng phải chạy đi vay mượn khắp nơi. Học hành lơ đễnh nên ra trường khó xin việc, bố mẹ lại tiếp tục nhờ vả ngược xuôi mong giúp con tìm việc. Vậy mà tiền lương chưa mua được gì biếu bố mẹ, đã dẫn người yêu về ra mắt bảo con muốn kết hôn.
7. Có một người đàn ông luôn yêu bạn nhưng không nói, nhớ bạn nhưng không dám gọi, bạn xấu vẫn yêu, béo lại càng yêu, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của bạn, dành mọi điều tốt đẹp nhất trần đời này cho bạn. Chỉ là bạn có nhận ra hay không, đó là bố.
8. Vì muốn con nở mặt nở mày, mua một bộ quần áo đắt tiền hơn chút cho con, mà mẹ không ngại bỏ ra mấy giờ chỉ để tham khảo giá và kỳ kèo xin giảm vài thêm vài nghìn.
9. Bố mẹ chẳng bao giờ quên sinh nhật con, nhưng con thậm chí lại "bận" đến nỗi quên mất ngày sinh của bố mẹ.
10. Con ra đường phải tươm tất cho bằng người. Vậy còn bố mẹ? Bố mẹ ở nhà mà, sao cũng được, mặc mấy bộ thường thường là được rồi ấy mà..
11. Ngày còn được ở với bố mẹ, đi đâu về là cơm canh có sẵn, thịt cá phần ngon đều chừa phần, nhưng cứ chê lên chê xuống. Xa bố mẹ rồi, đôi lúc giữa đêm mới ăn tối, cố nuốt nước mắt mà nhai cả mì tôm sống.
12. Ra trường chưa kiếm được việc nhưng vẫn chẳng muốn thua kém ai, ngửa tay xin tiền bố mẹ mà ăn tiêu. Một ngày chợt thấy dáng bố mẹ cõng đi, mới giật mình tự hỏi bố mẹ còn có thể lo cho mình thêm bao lâu nữa..
13. Có con gái đi lấy chồng. Lễ cưới người người hò reo vui vẻ, chỉ có bố mẹ cố nén nước mắt. Chỉ khi làm bố mẹ, mới hiểu được những giọt nước mắt này.
14. Lúc trước khi thức dậy hay trước khi ngủ không thấy bổ mẹ đâu vẫn thấy bình thường. Lớn lên rồi mới biết, đó là những lúc bố mẹ còn đang chật vật mưu sinh bên ngoài nên chưa thể về nhà được.
15. Càng lớn, tiếp xúc va chạm nhiều ta mới càng thấu được nỗi vất vả cơ cực của bố mẹ để nuôi ta thành người. Mỗi khi gọi bố mẹ đều hỏi "Khi nào con về?", nước mắt lại ứa ra, nghẹn giọng chẳng nói được, chỉ biết cố gắng thu xếp công việc về bên bố mẹ, vì số lần có thể về cùng gia đình đoàn tụ, có lẽ chẳng còn bao nhiêu nữa./.