2.000 người Kim Sơn (Gia Lâm) bức xúc vì phải mua nước sạch từng ngày
VOV.VN - Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đã khiến nhiều hộ gia đình cắn răng mua nước sạch để phục vụ việc nấu cơm, sinh hoạt…
540 hộ dân với hơn 2.000 con người tại thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội vẫn từng ngày mong mỏi được dùng nguồn nước sạch.
Thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn vốn là vùng đất cổ Luy Lâu, Kinh Bắc trước kia nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thôn Linh Quy Bắc chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Đông Nam.
Nếu xét về mặt địa lý, nhiều người sẽ nghĩ thôn Linh Quy Bắc hẳn nhiên có nhiều mặt thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vùng quê này lại đang phải đối mặt với 1 thực tế mà không ai dám tin, đó là việc người dân chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch hàng chục năm nay.
Đến Linh Quy Bắc, chỉ cần đề cập đến vấn đề nước sạch thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều sự thắc mắc cùng vô vàn những sự bức xúc bị kìm hãm từ lâu.
Có mặt tại nhà ông Dương Mạnh Thọ, trưởng thôn xã Linh Quy Bắc, phóng viên đã được mắt thấy tai nghe những sự việc tưởng chừng như không thể tồn tại ở một địa phương chỉ cách thủ đô có 20 cây số.
“Hiện nay, người dân thông Linh Quy Bắc không có nguồn nước sạch. Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc họp với chính quyền. 540 hộ dân với hơn 2.000 con người đều phải dùng nước giếng khoan. Giếng phải khoan sâu từ 40-50m mới có nước, nhưng nguồn nước giếng cũng đã bị ô nhiễm vô cùng nặng nề”. – Trưởng thôn Dương Mạnh Thọ cho biết.
Trước đây, nhà ông Thọ cũng như nhiều hộ dân khác tại Linh Quy Bắc còn có thể sử dụng nguồn nước từ giếng khơi. Nhưng do nguồn nước ngày càng cạn kiệt nên đa số giếng khơi đã bị san lấp, đến nay 100% người dân đã chuyển sang dùng giếng khoan cùng với bể lọc để có nước sinh hoạt.
Việc sử dụng nước giếng khoan qua hệ thống bể lọc với than hoạt tính, cát, sỏi cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân thôn Linh Quy Bắc. Sở dĩ có chuyện như vậy là do nguồn nước này chỉ “có ích” khi sử dụng vào việc giặt quần áo, rửa bát đĩa…còn chuyện nấu cơm thì không thể dùng nổi và không ai dám dùng.
Nước giếng khoan đóng thành những lớp bùn nhão nhoét, hôi tanh mặc dù đã qua hệ thống lọc
Muốn có nước nấu cơm, buộc một số hộ dân phải mua thêm hệ thống bình lọc mini. Sau khi nước giếng khoan được lọc qua bể, nguồn nước này tiếp tục được lọc qua bình lọc mới có thể dùng để đun nấu. Tuy nhiên, không phải nhà nào ở Linh Quy Bắc cũng có điều kiện để mua bình lọc mini. Người dân giúp đỡ nhau bằng cách, một nhà mua máy rồi lọc nước cho 2,3 nhà khác cùng dùng.
“Chúng tôi cứ gọi là khuất mắt trông coi chứ còn nước từ bình lọc cũng khó đảm bảo chất lượng mà không ăn thì không được, không biết làm thế nào” – Bà Nguyễn Thị Thái, một người dân sinh sống tại thôn Linh Quy Bắc bức xúc.
Như muốn chứng minh sức chịu đựng của bà con nơi đây đã đến giới hạn, ông trưởng thôn Dương Mạnh Thọ tiếp tục kéo phóng viên sang nhà ông Vũ Mạnh Hùng để tiếp tục chứng kiến nỗi khiếp sợ mang tên “nước giếng khoan”.
Tại nhà ông Vũ Mạnh Hùng, phóng viên đã trực tiếp trèo lên bể lọc nước để xem xét tình hình. Toàn bộ lớp cát trên bể lọc đều bị phủ bởi 1 lớp bùn màu vàng và bốc mùi hôi tanh. Thọc tay sâu xuống lớp cát thứ 2 thì dính nhoe nhoét bùn…Khi ông Hùng tiến hành bơm nước từ giếng khoan rồi xả trực tiếp xuống sân thì toàn bộ lượng nước đều ngả màu vàng đục. Khi nước rút, xung quanh cống nước còn đóng đầy cặn bùn.
“Thực trạng nước bị ô nhiễm ai cũng biết, từ thời Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ trước hứa hẹn với dân sẽ cải thiện nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Dân xã tôi vẫn phải mong chờ từng ngày để không phải dùng nước bẩn. Bể lọc cũng không chịu nổi vì nước bị ô nhiễm rất nhanh bẩn”– Ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.
Việc nước giếng khoan bị cáu bẩn, bốc mùi ở nhà bà Thái, ông Hùng và trưởng thôn Thọ có lẽ vẫn chưa đến mức độ “kinh hoàng” như ở nhà ông Lê Văn Ngôn một cựu chiến binh ở thôn Linh Quy Bắc. Người cựu chiến binh già chia sẻ với phóng viên, trong một lần tình cờ đổ nước chè vào nước giếng khoan, gia đình ông phát hoảng khi phát hiện nước chuyển từ màu trắng sang màu tím và cuối cùng là đen đục như than.
Nước giếng khoan "biến màu" khi đổ nước chè vào
Kể từ ngày phát hiện ra sự việc, gia đình cựu chiến binh Lê Văn Ngôn đã ngưng hoàn toàn việc sử dụng nước giếng cho việc nấu thức ăn. Bỏ tiền ra mua nước khoáng về để nấu ăn là cách duy nhất mà gia đình ông Ngôn vẫn thực hiện nhiều năm nay.
Nước giếng khoan két bùn và tanh mùi rỉ sét, muốn nấu cơm phải lọc 2 lần hoặc mua nước khoáng làm nước đun đã trở thành “điệp khúc” quen thuộc đối với cuộc sống của người dân thôn Linh Quy Bắc. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều mà 2.000 người dân nơi đây cảm thấy lo sợ nhất…/.