20.000 người mắc bệnh chân tay miệng

Trong đó gần 60 trường hợp tử vong, chủ yếu tại miền Nam.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dịch tay chân miệng hiện đã lan ra trên 50 địa phương, với số bệnh nhân là 20.000 người tính từ đầu năm đến nay, trong đó gần 60 trường hợp tử vong, chủ yếu tại miền Nam.

Mặc dù chưa đến thời điểm diễn ra đỉnh dịch bệnh tay chân miệng theo quy luật hàng năm là từ tháng 9 - 11, nhưng hiện số bệnh nhân tay chân miệng vẫn tăng đột biến, với diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Qua thống kê nhiều năm cho thấy, bệnh tay chân miệng tập trung ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là nhóm tuổi học sinh mầm non. Tuy nhiên ở mùa dịch năm nay, có những bệnh nhân là nam thanh niên khỏe mạnh, thậm chí có trường hợp bệnh nhân đã 73 tuổi.

Dịch tay chân miệng thường được phát hiện ở các tỉnh miền Nam và miền Trung, nhưng năm nay đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố miền Bắc như Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh… và đang có xu hướng lan nhanh. Đặc biệt, tính đến hôm nay (27/7), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có tới 395 bệnh nhi tại 22/27 huyện, thành phố của Thanh Hóa mắc bệnh tay chân miệng, nhiều nhất là ở huyện Triệu Sơn với trên 120 trẻ... trong đó có 2 bệnh nhi ở xã Triệu Thành (huyện Triệu Sơn) đã tử vong do bệnh tay chân miệng vào ngày 13 và 14/7.

Để đối phó với dịch tay chân miệng, đặc biệt là chuẩn bị cho thời điểm sắp vào đỉnh dịch, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường tập huấn về cách phát hiện và điều trị bệnh cho các trung tâm y tế dự phòng, lực lượng y tế xã, huyện… kết hợp với tổng vệ sinh môi trường và tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã triển khai đồng loạt tinh thần chỉ đạo về phòng chống dịch. Trong đó, tăng cường tổ chức truyền thông rộng rãi thông qua các kênh truyền thông đại chúng ở địa phương cho người bệnh và người dân cùng hiểu về bệnh. Đến lúc này, chúng tôi nghĩ là người dân đã nắm được bản chất và sự lây truyền của bệnh chân tay miệng để tiến hành các biện pháp phòng bệnh và cơ bản nhất chính là việc chăm sóc và vệ sinh cho trẻ”.

Tại miền Nam, đặc biệt là ở TP HCM, diễn biến dịch bệnh tay chân miệng vẫn phức tạp với số ca mắc cao. Hiện trung bình mỗi ngày có hơn 20 trẻ nhập viện mới và khoảng 200 bệnh nhi điều trị nội trú. Các quận huyện có số ca mắc cao là Bình Tân, Tân Bình, quận 8, Bình Chánh…

Trước thông tin hiện thuốc điều trị bệnh chân tay miệng thiếu và không ổn định, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, hiện thành phố vẫn dự trữ đủ lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân: “Nguồn dự trữ thuốc của TP vẫn rất đầy đủ. Không những của một nguồn cung ứng mà còn có nhiều nguồn cung ứng nữa. Thuốc vẫn còn đủ dùng cho TP HCM và cả các tỉnh trong Nam nữa” .

Bệnh chân tay miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh, có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, tốt nhất người dân nên quan tâm hơn nữa đến vệ sinh cá nhân cho con trẻ và mọi người thân trong gia đình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên