8 biện pháp kỷ luật trẻ phản tác dụng mà cha mẹ thường làm
VOV.VN - Bạn có biết, một số biện pháp kỷ luật trẻ mà cha mẹ đang áp dụng lại có thể gây tác dụng ngược, khiến hành vi của trẻ càng tồi tệ hơn.
Kỷ luật là cách giúp trẻ biết nhận ra những lỗi sai mình mắc phải, biết phân biệt hành động đúng sai và dần điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên, một số biện pháp kỷ luật trẻ mà cha mẹ đang áp dụng lại có thể gây tác dụng ngược, khiến hành vi của trẻ càng tồi tệ hơn.
La mắng trẻ
Có lẽ không bậc cha mẹ nào lại không lớn tiếng la mắng con mình ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, thường xuyên la lắng trẻ sẽ không đem lại hiệu quả. Càng la mắng trẻ thì chỉ khiến trẻ càng không để ý đến lời cha mẹ và chúng ít có khả năng làm theo chỉ dẫn của cha mẹ hơn.
Trẻ sẽ trở nên khá nhạy cảm với những lời la mắng. Nếu bạn thường xuyên la mắng trẻ sẽ không có tác dụng như bạn mong muốn và có thể khiến trẻ thậm chí trở nên miễn dịch với lời la mắng. Do đó, trẻ sẽ không nghe những lời bạn đang cố gắng nói với trẻ và nhiều khả năng chúng sẽ lặp lại hành vi này.
Cằn nhằn
Những lời cằn nhằn dạy trẻ rằng chúng không cần phải cư xử có trách nhiệm. Khi trẻ biết rằng chúng không cần nhớ những gì chúng phải làm hôm nay vì thể nào cha mẹ cũng sẽ cằn nhằn nhiều lần, và do đó, trẻ sẽ không nỗ lực để cư xử có trách nhiệm hơn.
Cằn nhằn cũng có thể dẫn đến trẻ sẽ cho bạn câu trả lời như “Con biết rồi”. Những lời cằn nhằn khiến trẻ tranh cãi hoặc hứa sẽ làm việc gì đó vào lúc khác thay vì hành động ngay hiện tại. Nên thay vì cằn nhằn, bạn hãy thử bằng câu kiểu “Nếu… thì” và bạn có thể sẽ nhận được kết quả tốt hơn nhiều.
Lặp đi lặp lại những lời cảnh báo
Nếu bạn đưa ra những lời cảnh báo lặp đi lặp lại với trẻ mà không làm theo, chúng sẽ nhanh chóng biết rằng bạn không nghiêm túc trong vài lần đầu tiên bạn nói điều gì đó. Bạn cũng không nên dọa “gọi công an” đối với con bạn. Nếu nói với con những câu như “Con có muốn chú công an đến bắt con không?” sẽ không truyền cảm hứng cho con bạn để cư xử tốt hơn đâu.
Bạn nên nhớ rằng, chỉ cảnh báo tước bỏ đặc quyền hoặc đưa ra hậu quả tiêu cực khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng làm theo lời cảnh báo đó. Kỷ luật nhất quán là điều cần thiết nếu bạn muốn trẻ thay đổi thay đổi hành vi chưa tốt.
Những bài ca giảng giải dài dòng
Chẳng có đứa trẻ nào nhận ra lỗi lầm về cách cư xử không đúng của mình sau khi nghe một bài ca giảng dài lê thê của bố mẹ cả. Trên thực tế, những bài giảng dài dòng càng khiến trẻ không chú ý đến lời của cha mẹ hơn. Thay vì lắng nghe thông điệp của bạn, con bạn có nhiều khả năng nghĩ rằng chúng không hề thích nghe bạn nói mỗi khi bạn muốn giảng giải, dạy dỗ.
Thay vào đó, hãy giải thích ngắn gọn về những chỉ dẫn, điều bạn muốn trẻ làm. Giải thích lý do bạn muốn trẻ thay đổi hành vi chưa tốt và nêu những kỳ vọng của bạn về những sự thay đổi đó. Thay vì liên tục nói với con rằng con đã lựa chọn sai, hãy tận dụng cơ hội để dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách hỏi xem con có thể làm gì khác đi vào lần sau được không.
Đưa ra hình phạt khiến trẻ xấu hổ
Việc khiến trẻ xấu hổ bằng cách đưa ra một hình phạt nào đó sẽ không giúp ích cho việc kỷ luật trẻ. Mặc dù nhiều cha mẹ cố gắng thử bất cứ điều gì khi con ứng xử chưa đúng nhưng việc làm trẻ xấu hổ có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Những hình phạt khiến trẻ xấu hổ bao gồm những điều như bắt một đứa trẻ đứng bên ngoài đeo tấm biển có nội dung như “Tôi đã ăn trộm và tôi nghĩ điều đó thật xấu hổ”. Làm bẽ mặt trẻ, làm trẻ xấu hổ có thể khiến trẻ tức giận và có các hành vi tồi tệ hơn. Nếu bạn không chắc chắn phải làm gì với các vấn đề về hành vi của con mình, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia thay vì cố gắng khiến trẻ phải khuất phục, nghe lời.
Đưa ra hậu quả không liên quan với hành vi sai của trẻ
Nếu bạn đưa ra một hậu quả hoàn toàn không liên quan đến hành vi sai của trẻ có thể khiến trẻ bị nhầm lẫn. Ví dụ như, nếu trẻ đánh anh trai của mình và cha mẹ bắt trẻ viết 100 lần rằng “Con sẽ không đánh anh trai nữa” thì điều này không phải là dạy trẻ cách giải quyết xung đột một cách hòa bình. Thay vào đó, nó có thể khiến trẻ ghét việc viết lách hơn.
Cách tốt nhất để dạy trẻ là hãy bố mẹ hãy đưa ra những hậu quả hợp lý với những hành động sai trái của trẻ. Hậu quả hợp lý giúp trẻ nhớ lý do tại sao chúng phải nhận hậu quả đó và nó ngăn trẻ lặp lại hành vi sai trái tương tự trong tương lai.
Phạt trẻ thật nặng
Nhiều cha mẹ vì tức giận còn đe dọa sẽ đưa ra hậu quả thật nặng cho hành vi sai trái của trẻ chẳng hạn như lấy đi đặc quyền nào đó của trẻ trong một thời gian thật dài như phạt không được chơi game, xem ti vi trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, cách phạt này không có khả năng mang lại hiệu quả. Nếu con bạn mất tất cả các đặc quyền của mình hoặc mất một đặc quyền quá lâu thì trẻ sẽ mất động lực để hành xử đúng để nhận lại đặc quyền đó.
Đôi khi trẻ em bỏ cuộc khi chúng cảm thấy mình đã mất tất cả. Ví dụ như có cha mẹ còn mang mọi thứ ra khỏi phòng của trẻ ngoại trừ chiếc giường vì muốn phạt trẻ có hành động sai. Tuy nhiên, cách này hầu như luôn phản tác dụng vì trẻ nhận ra rằng bố mẹ sẽ không thể lấy đi thêm bất cứ thứ gì khác nữa và cũng chẳng thể đưa ra bất kỳ hậu quả nào nữa nếu mình có làm thêm việc gì sai nữa.
Đánh đòn
Mặc dù có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc đánh đòn nhưng việc đánh một đứa trẻ chắc chắn sẽ tác động xấu đến tinh thần của con, tổn thương cơ thể, khiến con có hành vi chống đối. Ví dụ như, nếu bạn đánh con vì trẻ đánh anh/chị em mình thì bạn đang mang đến cho con thông điệp hỗn hợp. Trẻ sẽ học được rằng việc đánh đòn có thể chấp nhận được khi bạn đánh chúng.
Theo một nghiên cứu được bố trên Tạp chí Nhi khoa Pediatrics của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, những đứa trẻ bị đánh đòn trong tháng trước thường có hành vi hung hăng hơn vào tháng sau. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ không khuyến khích bất kỳ hình thức trừng phạt thân thể nào. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, hầu hết các bậc cha mẹ vẫn tiếp tục đánh đòn con cái của họ./.