Ăn cắp nick, chat lừa tiền
Hãy cảnh giác khi có người lạ đề nghị bạn thêm nick vào danh sách hay gửi đường link không rõ nguồn gốc…
Những ngày gần đây rộ lên nhiều vụ lừa đảo sử dụng công cụ Yahoo Messenger. Thủ đoạn của bọn lừa đảo là ăn cắp nick chat của một người, sau đó vào YM với nick đó, nhắn tin cho những người trong danh sách để lừa tiền. Phổ biến nhất là nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại, hoặc rủ chung vốn “làm ăn”…
- Chị có vốn không? Chung vốn làm ăn với em đi
- Làm như thế nào?
- Em có đứa bạn đang ở nước ngoài, cần một số lượng lớn thẻ cào điện thoại, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Em mới có 40 triệu đồng thôi, đã mua thẻ điện thoại rồi. Nếu chị có 10 triệu thì góp cùng. Lãi 30%.
- Lãi 30% là thế nào? Trong một năm à?
- Không. Mình mua thẻ điện thoại, gửi mã số thẻ cào sang. Hai ngày sau nó gửi tiền về vào tài khoản của mình, cả vốn và lãi, lãi 30%.
- Mua thẻ như thế nào? Mệnh giá bao nhiêu? Liệu có gặp vấn đề gì hay khó khăn gì không?
- Không có gì khó đâu chị ạ. Chị ra cửa hàng, mua thẻ Mobifone, loại 500k hoặc 200k. Loại 500k thì gửi cho nhanh hơn. Nếu chị mua ở đại lý, thì họ còn chiết khấu cho chị nữa cơ…
Trên đây là câu chuyện trên YM mà cô bạn đồng nghiệp của tôi vừa gặp.
Công cụ giao tiếp trên mạng đang bị một số kẻ lừa đảo lợi dụng |
Giúp người thân, mình gặp nạn
Nhưng không phải ai cũng may mắn “thoát nạn” như thế. Một cô bạn cùng cơ quan tôi kể, cô ấy cũng từng bị mất nick chat như vậy. Kẻ lừa đảo nhắn tin cho mọi người là cần nạp thẻ điện thoại và nhờ mua 1 thẻ mệnh giá 500.000 đồng. Bạn bè cô ấy đều gọi điện thoại lại để kiểm tra thông tin nên không bì lừa. Riêng cô em chồng thì nhanh nhẩu, sẵn lòng giúp đỡ chị dâu, nên đã gửi ngay mã số thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng.
Một cậu em tôi cũng nhận được tin nhắn của cô bạn học cùng, nhờ mua thẻ điện thoại hộ, nên cũng mất toi vài triệu đồng. “Nó nói chuyện với em y như giọng cô bạn em vậy. Giọng điệu, ngôn từ, cách hỏi han… Chắc là nó lấy được nick nên vào xem được những câu chuyện chat trước đó”, cậu em kể.
“Bọn nó khéo lắm chị ơi”
Một cô bạn đồng nghiệp của tôi than lên như thế khi kể câu chuyện mất nick của mình. Nó vào chat với em như thể quen thân lắm rồi. Rồi bảo: “Chị xem ảnh con nhà em chưa? Chị vào link này nhé”. Thế là em vào đó thì chả thấy gì cả.
Trường hợp khác, thì kẻ đi lừa lại chat: “Chị xem blog của em chưa? Nhiều cái hay lắm, em gửi chị đường link này”.
Những đường link được gửi cho nạn nhân là địa chỉ đăng nhập lại vào tài khoản YM của người đó, nhưng đi kèm một địa chỉ email mới của kẻ lừa đảo. Từ đó, mọi thông tin cá nhân, password hộp thư của nạn nhân đều lọt vào tay kẻ lừa đảo. Kẻ lừa đảo dùng nick của nạn nhân đi lừa bạn bè, người thân có tên trong danh sách của nick.
Chuyện gì sẽ xảy ra và phải làm gì khi tài khoản YM bị đánh cắp?
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia công nghệ thông tin, Trung tâm Ứng dụng Tin học và Công nghệ phát thanh truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam tư vấn:
Kẻ chủ ý đánh cắp tài khoản YM của người khác chắc chắn sẽ có ý đồ xấu như khai thác nội dung riêng tư trao đổi qua mạng hay lừa đảo người quen của chủ tài khoản YM... Khi đã có nghi vấn tài khoản bị đánh cắp và bị kẻ xấu lợi dụng thì cần nhanh chóng thông báo cho những người thường hay chat với mình để gửi cảnh giác tới mọi người quen khác (trong danh sách địa chỉ trực tuyến) về các nội dung bất thường gửi qua chat như mời gọi góp vốn làm ăn lãi suất cao, vay mượn tiền, xin thẻ điện thoại...
Sau đó phải kiểm tra thông tin cá nhân của tài khoản YM và thay mật khẩu mới có độ bảo mật cao (dài lớn hơn 8 ký tự, có đủ các ký tự chữ hoa, chữ thường và số). Trường hợp bị mất mật khẩu, bạn sử dụng chức năng lấy lại mật khẩu của YM rồi thay đổi ngay mật khẩu mới. Tiếp theo bạn nên có kế hoạch thay đổi mật khẩu thường xuyên.
Trường hợp kẻ đánh cắp tài khoản YM của bạn đã thực hiện được hành vi lừa đảo gây tổn hại đến bạn và người quen, nếu cần thấy cần bạn phải báo ngay đến cơ quan chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao để có thể sớm tìm dấu vết.
Câu chuyện lừa đảo qua mạng đã không còn cũ nhưng lại xảy ra ngày càng nhiều hơn khi các tiện ích giao dịch điện tử qua mạng là yêu cầu thiết yếu nhằm tăng hiệu quả kinh tế xã hội. Mục tiêu của những kẻ lừa đảo trên mạng là luôn tìm mọi cách lấy cắp thông tin cá nhân của những tài khoản giao dịch trực tuyến. Khuyến cáo chung tới người dùng thường xuyên sử dụng các giao dịch trực tuyến là cần tìm hiểu các cơ chế chính sách bảo mật và bảo vệ lợi ích người dùng của tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến và chọn đơn vị có uy tín cũng như năng lực cao hoạt động trong lĩnh vực này./.