An Giang triển khai công tác quy hoạch nông thôn mới

Tuy nhiên, chương trình đã bộc lộ một số nhược điểm do nhận thức cũng như vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Sáng 8/7, tại An Giang, Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng nông thôn mới- Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong  những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn. Đây là chương trình có nội dung toàn diện, tổng hợp của các chương trình mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chương trình được triển khai sớm, nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành phong trào của cả nước, được người dân và các địa phương hết sức quan tâm, ủng hộ và tích cực triển khai. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau hơn 1 năm thực hiện, đa số các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo 3 cấp tỉnh, huyện và cấp xã; đồng thời triển khai khoảng kinh phí ngân sách để các xã nông thôn mới triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tại hội nghị, Bộ NN-PTNT và các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho rằng trong quá trình thực hiện chương trình đã bộc lộ một số nhược điểm mà điển hình là một số địa phương và người dân chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thiếu chủ động, bộ máy quản lý chỉ đạo điều hành chưa thống nhất.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương chương trình Xây dựng nông thôn mới cho rằng: “Hội nghị có sự tham dự của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực thứ 3 được triển khai. Có thể nói sau 1 năm triển khai các địa phương đã bộc lộ những lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện, nhất là công tác quy hoạch. Vì vậy vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng chấn chỉnh công tác này. Và các tỉnh cũng cho rằng đây là vấn đề gặp khó”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên