Báo động nạn buôn bán phụ nữ ở Lai Châu

Bài 2: Hé mở những phận đời sơn nữ mất tích

Các đối tượng lừa đảo buôn người đã mồi các sơn nữ nhẹ dạ lần lượt sập bẫy theo một màn kịch đã được sắp đặt từ trước

Bằng những lời đường mật, rồi giả vờ tán tỉnh, yêu đương hoặc hứa hẹn sẽ giúp đỡ, tìm kiếm những việc làm nhẹ nhàng nhưng thu nhập rất cao, các đối tượng lừa đảo buôn người đã mồi các sơn nữ nhẹ dạ lần lượt sập bẫy theo một màn kịch đã được sắp đặt từ trước. Và phía sau những màn kịch đó là phận đời sơn nữ phải chịu nhiều khổ đau mất mát.

Sau hơn một năm mất tích, sơn nữ Lò Thị Y tự dưng tìm về nhà trong niềm vui sướng của gia đình. Nhớ lại cái ngày cùng hai cô bạn Hiêm và Chăm đi "làm chè" ở xã Thân Thuộc, Y bảo: "Chúng em đã bị lừa".

Theo lời Y kể, hồi ấy có một chị bán hàng tạp hóa ở bản Nậm Sỏ 1 đã rủ ba sơn nữ đi "làm chè" nhưng đến nơi chị ta lại rủ ba cô đi sang Hà Khẩu (Trung Quốc) làm ăn. Vượt biên sang được bên kia, em bị ép lấy một người Trung Quốc đáng tuổi bố, còn hai người bạn em không biết đã bị đưa đi đâu" - Y tâm sự.

Gần đây nhất là trường hợp hai chị em ruột: X và T, sinh năm 1995, 1996, người Dân tộc Thái, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Theo hai em X và T, các em bị chính chị họ của mình lừa đưa đi bán hàng bên Trung Quốc, nhưng chỉ khi bị đưa vào một nhà nghỉ hai em mới biết đây là một ổ mại dâm.

Chị Sùng Thị Máy, người vừa thoát khỏi cuộc sống cơ cực bên nước bạn trở về cho biết: “Tôi sang đó được mấy hôm mới biết bị lừa. Tôi nhớ nhà, nhớ chồng con không chịu nổi nên đã bỏ trốn về nhà. Tôi khuyên chị em phụ nữ là không nên tin vào những người lạ, vì rất dễ bị lừa”.

Thượng tá Phạm Văn Hải – Trưởng phòng Phòng chống tội phạm (Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu) khẳng định, các nạn nhân chỉ khi bị đưa vào các ổ mại dâm, bị bán làm vợ, hoặc được các lực lượng chức năng giải cứu mới nhận ra mình đã bị lừa. Sau nhiều chuyên án kết thúc, vạch trần bộ mặt của những kẻ buôn người, khi bị còng tay chúng mới cúi đầu khai nhận đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ buôn người.

Với những đối tượng này, chúng không phân biệt con mồi của mình đã đủ tuổi thành niên hay đã có gia đình đuề huề, miễn sao có hàng để giao cho các đầu mối và có tiền tiêu xài là mục đích cuối cùng. Để làm được điều đó chúng đi tìm chị em ở các bản vùng sâu, lừa tuyển đi lao động, làm việc với mức lương cao sau đó chúng đưa đi bán. Đối tượng lợi dụng phần lớn là những chị em gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình đổ vỡ, hoặc một số thích có tiền ăn chơi đua đòi. Một chiêu bài được chúng thực hiện và đang nổi lên gần đây là một số đối tượng thanh niên nam giới, thông qua điện thoại, internet hay đi chợ gặp nhau rồi rủ rê, làm quen với nhau, qua đó chúng giả vờ yêu đương và đưa đi bán.

Thiếu nữ vùng cao (ảnh Việt Đức, ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thượng tá Phạm Văn Hải – Trưởng phòng Phòng chống tội phạm – Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu khuyến cáo: “Cảnh báo với bà con, đặc biệt là phụ nữ phải hết sức thận trọng trong quan hệ, đặc biệt là yêu đương, rồi tìm hiểu trong việc đi tìm kiếm việc làm và trong tình cảm. Phải biết cái đối tượng người ta đến tìm hiểu mình là như thế nào, không đề phòng là lừa gạt”.

Chỉ tính 7 tháng đầu năm 2011, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Biên phòng tỉnh và một số cơ quan điều tra làm rõ trên 22 vụ mua bán người với 21 đối tượng, giải cứu được 20 nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, chủ yếu xảy ra ở các huyện như Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ, Tam Đường. Riêng quý I/2011, tình trạng buôn bán người trên địa bàn Lai Châu đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010.

Theo lãnh đạo công an tỉnh Lai Châu, hiện nay có hai vấn đề khó khăn trong cuộc đấu tranh với tội phạm buôn người là phần lớn nạn nhân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số hạn chế về hiểu biết nên công tác tuyên truyền kém hiệu quả, trong khi đó năng lực hệ thống chính trị cơ sở hạn chế. Cuộc chiến với bọn tội phạm buôn bán người thường diễn ra khu vực biên giới, địa hình phức tạp, trong khi đó vấn đề xuất nhập cảnh, qua lại biên giới chưa được siết chặt. Một vấn đề đặt ra là mặc dù đã phá được nhiều chuyên án, hàng trăm đối tượng bị bắt, nhưng đó chỉ là kẻ giao hàng, còn các đối tượng cầm đầu đường dây rất hiếm khi lộ diện.

Đại tá Lê Văn Bảy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Để ngăn chặn được tình trạng buôn bán người, thời gian vừa qua và thời gian tới, cơ quan công an cũng đã có những phối hợp với hội phụ nữ, liên đoàn lao động tỉnh, đoàn thanh niên đi xuống cơ sở, đặc biệt là các xã biên giới để tuyên truyền để bà con biết được phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán người để có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn. Lực lượng công an đã phối hợp với lực lượng biên phòng làm tốt công tác xuất nhập cảnh, ngăn chặn được việc chị em sang đó làm ăn rồi bị lừa bán”.

Vấn đề buôn bán phụ nữ là tội phạm xâm hại nghiêm trọng quyền, nhân phẩm con người, phá vỡ các giá trị tốt đẹp và sự ổn định của gia đình, cộng đồng xã hội. Nhiều bằng chứng cho thấy người bị bán ra nước ngoài có cuộc sống rất khổ cực, thường bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn. Có người phải mang thương tật suốt đời, người nào may mắn về được với quê hương lại phải đối mặt với định kiến xã hội. Vì vậy cuộc đấu tranh với bọn tội phạm buôn người cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là chính quyền và người dân địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên