Bài 2: Tự do Internet ở Việt Nam- không phải nước nào cũng có
Thực tế cho thấy, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài khi đến Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ Internet cũng rất dễ dàng.
Là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Phạm Quốc Nhật, Giám đốc Công ty phần mềm Nhật Cường cho rằng, từ khi Internet Việt Nam được kết nối với mạng Internet toàn cầu đến nay, người dùng Việt Nam không gặp bất cứ một khó khăn, trở ngại nào khi truy cập mạng. Mặt khác, nếu nói Việt Nam hạn chế Internet thì trong hơn 10 năm qua không thể có con số 27 triệu người sử dụng, chiếm gần 31% dân số.
Ở Việt Nam hiện nay, Internet không chỉ được phổ cập tại các thành phố lớn, mà đã về tận làng bản xa xôi, với phong phú loại hình dịch vụ từ đường truyền băng thông rộng đến mạng không dây. Theo ông Phạm Quốc Nhật, điều này đã được các nước trên thế giơi thừa nhận. Vì vậy, nói internet Viêt Nam bị hạn chế là không đúng.
Khi được hỏi, bà Yaima, một du khách Tây Ban Nha cho rằng, phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton về hạn chế Internet ở Việt Nam là thiếu khách quan. Bởi theo bà, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài như bà khi đến Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ Internet cũng rất dễ dàng.
Thực tế, chính sách xây dựng, quản lý Internet của hầu hết các nước là thúc đẩy phát triển Internet, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi nhất, phù hợp với pháp luật mỗi nước và cam kết quốc tế. Do vậy, không thể nói nước này, nước kia tự do hay không tự do Internet.
“Từ khi có mặt tại Việt Nam đến nay, tôi không gặp một khó khăn nào khi tiếp cận dịch vụ Internet và vẫn kết nối với người thân ở nhà. Tôi nghĩ mọi quốc gia đều có những quy định riêng trong xây dựng, phát triển Internet theo nguyện vọng, lợi ích quốc gia”, bà Yaima bày tỏ..
Theo ông ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất khu vực và nằm trong số các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Mấu chốt của sự phát triển vượt bậc đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung, Internet nói riêng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có những quy định trong sử dụng Intenet để không ảnh hưởng đến thuần phục mỹ tục, an ninh quốc gia… Theo ông Lưu Vũ Hải, trên thực tế hệ thống pháp luật của các nước còn có sự khác biệt, và ngay tại nhiều nước trên thế giới hệ thống pháp luật của nhiều bang cũng còn sự khác nhau. Vì vậy, nếu đòi hỏi tự do Internet theo cách hiểu chỉ từ một phía là không xác đáng.
Ông Lưu Vũ Hải cũng khẳng định, tại Việt Nam, người dân có thể truy cập Internet dễ dàng, tự do, với một chi phí rất thấp. Điều không phải nước nào cũng có.
Liên quan đến việc ngừng cung cấp dịch vụ game online từ 22h hôm trước đến 8h sáng hôm sau tại các đại lý game trên toàn quốc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quy định này hoàn toàn không hạn chế hay ngăn cấm Internet mà nhằm hạn chế tác động tiêu cực của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Chủ trương này cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp, ngành, các bậc phụ huynh và đông đảo bạn trẻ sử dụng Internet vì mục đích lành mạnh.
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc kết nối Internet rộng rãi đã giúp cho Bộ trong quản lý chuyên môn cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Bộ cũng mong muốn có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những thông tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những game online ảnh hưởng đến học sinh…
Rõ ràng, những lợi ích to lớn, thiết thực mà người dân Việt Nam được thụ hưởng từ dịch vụ Internet đã chứng minh tính đúng đắn của Việt Nam trong chiến lược phát triển Internet. Và như lời ông Lưu Vũ Hải, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chiến lược này nhằm thúc đẩy Internet Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.