Bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết thế nào cho chuẩn?
VOV.VN-Bài trí bàn thờ là công việc được chú trọng đầu tiên của một cái Tết, thường thì việc này do chính tay gia chủ thực hiện để tỏ lòng hiếu kính.
Ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng “ông Công, ông Táo” thì công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ được thực hiện. Vì quan niệm rằng đây là thời điểm “thần linh đi vắng”, nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết, để làm sao cho đến đêm 30 tết, khi các vị thần linh trở về thì mọi việc đã hoàn tất đẹp đẽ.
Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi, hóa chân nhang (đốt các chân nhang cũ đi cho đỡ đầy bát hương), treo đèn, kết hoa, bày biện đồ lễ. Các đồ thờ tự lúc này có thể hạ xuống để lau chùi, đánh bóng. Sau khi hoàn tất, người ta nấu nước thơm (thường là ngũ vị hương) để lau lại một lần nữa gọi là “tẩy uế”. Rồi tất cả được sắp đặt lên bàn thờ theo thứ tự, tùy quan niệm từng vùng.
Ảnh: Vũ Long |
Trong cách bày biện bàn thờ, người ta thường bố trí vị trí cao nhất, chính giữa phía trong cùng là nơi để Bài vị - là tấm bia gỗ ghi tên, thụy hiệu của các đối tượng được thờ cúng, nếu cầu kỳ thì bài vị này có thể được đặt trong một ngai thờ, hoặc một khám thờ.
Do hầu hết các gia đình đều chỉ có một nơi thờ tự, do đó sẽ “phối thờ” cả gia tiên nhiều đời và cả thần linh, cho nên thường thì vị trí này là bài vị chung cho tất cả. Hai bên Bài vị chung, thì bố trí hoặc bài vị, hoặc ảnh thờ của những người đã khuất thân cận trong gia đình như ông bà, cha mẹ ... tùy theo ngôi thứ mà đặt cho đúng trái, phải, trước, sau.
Trước các bài vị bố trí lư hương, tùy theo kích cỡ bàn thờ, mà chọn cho vừa. Thông thường, để cho đẹp, thì lư hương ở chính giữa có kích thước lớn nhất. Trên bàn thờ nhất thiết phải có 2 ngọn đèn, hoặc đèn dầu, hoặc nến, để đốt lên mỗi khi hành lễ. Trên bàn thờ, phía phải và phía trái sẽ bố trí thêm bình hương, lọ hoa, mâm bồng, đế đèn.
Ngoài các hạng mục thiết yếu như trên, thì tùy theo điều kiện của từng gia đình mà có thể có thêm các đồ thờ tự quý giá khác như Đỉnh đồng, Chân đèn, Song hạc... Tất cả đều được bố trí trong khoảng không gian phía trước lư hương, thấp hơn và phải sắp xếp sao cho cân đối theo nguyên tắc Âm-Dương “tả dương, hữu âm” “tả nam, hữu nữ”...
Hương dùng để thắp trên bàn thờ ngày tết, hoặc dùng hương vòng, hoặc hương nén. Có nơi người ta dùng cây “hương sào” lớn, mục đích là để cháy được lâu, đảm bảo duy trì liên tục trong các ngày Tết.
Hoa trên bàn thờ có hoa cắm bình và hoa để trên đĩa, đối với bàn thờ ngày Tết, người ta thường duy trì cả hai loại này. Ngoài ra, để mang đậm không khí xuân cổ truyền, thường cắm một cành đào, hoặc một cành mai trong lọ sứ lớn đặt trên bàn thờ. Các loại hoa được chọn để lên bàn thờ, thường là các loại hoa có mùi hương thơm, như hoa huệ, hoa ly, hoa cúc... tránh những loại hoa có gai sắc nhiều sát khí, hoặc những loại hoa có mùi quá gắt.
Mâm ngũ quả - Đây là phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết, với ý nghĩa tượng trưng cho số 5, đại diện cho “ngũ hành” kim – mộc – thủy- hỏa – thổ, đại diện cho “ngũ thường” : Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín”... Người ta sẽ chọn 5 loại trái cây có bố cục và màu sắc hợp lý để bày biện cho đẹp mắt.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt là chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho vuông-tròn, âm-dương. Tuy là 5 thứ quả, những cũng không nên tùy tiện, các thứ quả được lựa chọn phải tròn trịa, có hương, có sắc. Tránh những thứ quả có gai, có lá sắc để không mang sát khí, hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng…
Theo phong tục cổ truyền của người Việt thì bánh chưng, bánh dày là hai thứ tượng trưng cho Trời – Đất, nó cũng là thứ bánh làm bằng lương thực, tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng, là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ, chú ý rằng bánh chưng phải để theo cặp (2 chiếc) cho trọn vẹn quan hệ phu - phụ thuận hòa.
Ngoài các lễ vật trên, thì sẽ có thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.
Ngoài ra, gia chủ cũng cần phải chú ý một số lưu ý sau:
– Không đặt bàn thờ sát nhà tắm. Bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.
– Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.
- Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.
- Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài.
– Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: hướng Đông Bắc, hướng Tây Nam. (Không đặt bàn thờ hướng Đông Bắc nhìn Tây Nam hoặc ngược lại).
– Không đặt bàn thờ ở hướng Đông, Đông Nam nhìn hướng Tây.
– Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
– Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
– Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.
– Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Thay vào đó, bàn thờ Phật có thể đặt ở trung tâm nhà.
– Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng.
– Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ
Bên cạnh đó, bàn thờ phải luôn sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương./.