Bao giờ xây được nền văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông, câu chuyện ai cũng hiểu nhưng để hành xử có văn hóa lại không hề đơn giản

Không phải ngẫu nhiên, chủ đề của tháng an toàn giao thông năm nay mang tên “Tháng văn hóa giao thông”. Đơn giản vì đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông, đằng sau những vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, ai cũng hiểu có phần lỗi của người tham gia giao thông. Nói cách khác là văn hóa ứng xử của nhiều người tham gia giao thông đang có vấn đề.

Mỗi khi ra đường, nhất là ở các thành phố lớn, chúng ta rất dễ gặp phải những cảnh tượng sau: Đèn đỏ, các phương tiện giao thông dừng lại, vẫn có người cố tình lách lên rồi vượt qua; Nhiều xe đứng đỗ chèn lên vạch sơn dành cho người đi bộ; Xe đạp chạy sang làn đường xe máy; Xe máy tạt vào đường của ô tô và ngược lại; Người đi bộ thản nhiên qua đường bất cứ chỗ nào; Nếu có va quệt thì việc đầu tiên là quay sang trợn mắt, mắng chửi nhau; Rồi đám đông xúm lại xem. Lại tắc đường hơn nữa…

Thật đau buồn khi giữa thời bình mà mỗi năm có tới cả vạn người phải bỏ mạng vì tai nạn giao thông.

Đằng sau bức tranh màu xám nói trên có một nút tắc còn lớn hơn cả nạn tắc đường, kẹt xe. Đó là nút tắc trong ý thức, là lỗ hổng trong văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của nhiều người.

Có một nhà nghiên cứu văn hóa từng bỏ công sưu tầm và nhận thấy rằng trong cuốn tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam có đến mấy trăm câu nói về chuyện “ăn”, lại mấy trăm câu bắt đầu bằng chữ “nói”, nhưng mà những câu nói về sự “đi” của con người thì rất hiếm.

Ai cũng hiểu, mỗi hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, cũng đồng thời là hành vi thiếu văn hóa. Điều đáng báo động hiện nay là khi tình trạng coi thường luật giao thông diễn ra phổ biến như hiện nay, nhiều người từ chỗ bất bình đã dần chuyển sang chấp nhận nó như là một điều bình thường của đời sống.

Để có được trật tự và văn minh thực sự trong giao thông, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền văn hóa giao thông vững chắc. Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao ý thức của mọi người khi tham gia giao thông… Công việc này là trách nhiệm của toàn xã hội và phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, cả trong gia đình và tại trường học, cho mọi đối tượng, từ già đến trẻ. Xây dựng văn hóa giao thông là việc lâu dài và liên tục.

Chúng ta chỉ có một nền văn hóa giao thông bền vững khi luật giao thông phải được thực thi thật nghiêm minh. Tuy nhiên cái chế ngự tốt nhất trong bản thân mỗi con người để không vi phạm pháp luật chính là văn hóa. Nói cách khác, không thể giải quyết triệt đề nạn tắc đường, kẹt xe cho dù cơ sở hạ tầng giao thông có hiện đại đến đâu, nếu không lấp đầy lỗ hổng về văn hóa giao thông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên