Bảo vệ đất trồng lúa

Những năm gần đây, diện tích đất lúa chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp ngày càng nhiều, nhất là khu vực đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long.

Nếu không có biện pháp bảo vệ đất trồng lúa thì trong tương lai thậm chí chúng ta không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Giao trách nhiệm cho các cấp quản lý quỹ đất lúa

* Việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp mà không kiểm soát chặt chẽ như hiện nay sẽ gây hệ lụy như thế nào, thưa ông?

Từ năm 2007, trung bình mỗi năm chúng ta chuyển đổi trên 50.000ha đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm chúng ta mất đi 400.000 - 500.000 tấn thóc. Diện tích đất lúa bị chuyển đổi còn làm cho người nông dân mất đi cơ hội có việc làm. Bởi 1ha đất lúa bị thu hồi sẽ khiến cho 1,5 - 2 lao động mất việc làm. Như vậy, mỗi năm diện tích đất lúa bị thu hồi liên quan đến hơn 600.000 hộ nông dân, tương đương với 900.000 lao động. Việc chuyển đổi đất lúa sang làm công nghiệp, dịch vụ còn gây ô nhiễm môi trường. Nếu không quản lý đất lúa chặt chẽ thì đến một lúc nào đấy, chúng ta không còn đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, là mục tiêu tối thiểu của một nước nông nghiệp.

* Thưa ông, mục tiêu giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng dường như địa phương không quan tâm đến vấn đề này?

Đất lúa là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là tiền đề để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nên việc sử dụng phải triệt để tiết kiệm. Tuy nhiên, thời gian qua, ở nhiều địa phương, đặc biệt đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), hai vựa lúa chính của cả nước, đã diễn ra tình trạng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang các mục đích khác không tiết kiệm. Nhiều địa phương chuyển cả diện tích chuyên lúa (trồng lúa hai vụ/năm) sang mục đích khác. Chính phủ phê duyệt tổng diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng cho mỗi địa phương nhưng do bản đồ thực địa không chi tiết nên Chính phủ không thể nắm được chỗ nào là diện tích trồng lúa cần phải giữ, chỗ nào nên chuyển đổi mà chỉ đạo, việc chuyển đổi giao cho địa phương tự quyết, thành ra có tình trạng ở một số địa phương đất lúa cần giữ lại đem chuyển đổi trong khi địa phương vẫn còn nhiều quỹ đất sử dụng kém hiệu quả.

* Dự thảo Nghị định quản lý đất lúa đang được Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng. Trọng tâm của Nghị định tập trung vào những vấn đề gì?

Bộ NN&PTNT xây dựng Nghị định quản lý đất lúa dựa trên hai đề án: Thứ nhất là đề án an ninh lương thực quốc gia, trong đề án này xác định rõ mục tiêu và điều kiện đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó có điều kiện giữ đất lúa và những biện pháp để thực hiện. Thứ hai là đề án quy hoạch bảo vệ đất lúa xác định rõ mục tiêu và quy mô đất lúa theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn phải đảm bảo giữ được tối thiểu bao nhiêu đất lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa đảm bảo đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Trên cơ sở hai đề án này, Bộ NN&PTNT tiến hành xây dựng Nghị định về quản lý đất lúa. Những chủ trương trong hai đề án được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật, đó là nghị định này. Nghị định tập trung hai vấn đề lớn, thứ nhất là tăng cường, siết chặt việc quản lý quỹ đất lúa, sử dụng một cách hợp lý quỹ đất lúa nước, đặc biệt là quỹ đất chuyên lúa, thứ hai là đưa ra chính sách làm thế nào để giữ được đất lúa, trong đó có chính sách khuyến khích người dân địa phương yên tâm trồng lúa.

* Thưa ông, Nghị định có đưa ra biện pháp khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi lấy đất lúa làm dự án?

Nghị định đề ra hai nhóm biện pháp chính: Thứ nhất là biện pháp hành chính, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch, quy hoạch phải rõ ràng, chi tiết, chỉ rõ được trên bản đồ vị trí khu vực nào đất lúa phải giữ lâu dài và có ranh giới rõ ràng không cho xâm phạm; Bên cạnh đó là giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền trong việc quản lý quỹ đất lúa, nếu để đất lúa bị xâm phạm mà không được cơ quan cấp trên cho phép thì bị xử phạt thế nào? Thứ hai là chính sách về kinh tế, cụ thể là về giá đất, ví dụ khi thu hồi đất trồng lúa, đặc biệt là đất chuyên lúa thì giá đất phải trả cao hơn rất nhiều so với các loại đất khác. Bên cạnh đó là các chính sách cho người trồng lúa. Do người trồng lúa thu nhập thấp hơn các ngành nghề khác, Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong 7 năm qua (2001-2007), tổng số đất nông nghiệp bị thu hồi, chuyển sang đất phi nông nghiệp trên 500.000ha, trong đó có đất lúa là trên 335.000ha (trung bình mỗi năm xóa xổ trên 50.000ha đất lúa). Mỗi hecta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf thường kéo theo khoảng 1-2ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải...

* Xử lý vi phạm trong sử dụng đất lúa xảy ra nhiều nhưng ít bị xử lý, Nghị định có đưa ra chế tài xử phạt không, thưa ông?

Vi phạm về đất đai nói chung đã có Nghị định 182 ban hành năm 2004. Tuy nhiên, trong Nghị định lần này đưa thêm nội dung, xác định rõ hành vi vi phạm trên lĩnh vực quản lý và sử dụng đất lúa. Còn việc xử lý vi phạm phải căn cứ vào Nghị định xử phạt hành chính chứ không thể hiện trong Nghị định này. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất lúa không chỉ căn cứ vào Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai mà còn căn cứ cả vào Luật Cán bộ công chức, Luật Môi trường. Phải tổng hợp tất cả các chế tài trong các luật để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp: Phải có chính sách hợp lý với người nông dân

Thời gian qua, nhiều địa phương mong muốn công nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy tăng GDP của địa phương và chuyển dịch lao động nên khi các nhà đầu tư đến là sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của họ. Nhiều địa phương có đất đồi ngay bên cạnh diện tích đất trồng lúa nhưng khi xây dựng khu công nghiệp không lấy đất đồi mà lại lấy đất lúa là do định giá đất lúa quá thấp. Về mặt quản lý, lâu nay chúng ta giao cho các cấp đều có quyền ký quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Chúng ta có quy hoạch quản lý đất lúa nhưng để thực hiện quy hoạch phải có chế tài. Việc phân cấp, phân quyền quản lý tới đây cũng phải rõ ràng, theo tôi, đất lúa phải do Trung ương quản lý chứ không giao cho địa phương. Muốn giữ được đất lúa phải có chính sách hợp lý với người nông dân, đối với những hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa thì nên hỗ trợ giống, hỗ trợ phân bón. Nếu nông dân khó khăn trong tiêu thụ thóc, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ giá. Bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, cơ giới hóa nông nghiệp…

Để đẩy mạnh chuyên môn hóa nông nghiệp, chúng ta cũng nên tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ đất đai. Tuy nhiên, phải xác định rõ đối tượng tích tụ đất đai là nông dân, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp và họ phải trực tiếp đứng ra điều hành sản xuất.

Ông Đào Thế Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam: Phân cấp trách nhiệm giữa các bộ còn bất cập

Đất thì do Bộ TN&MT quản lý, lao động do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Trong khi Bộ NN&PTNT đứng ra tổ chức sản xuất nông nghiệp thì lại không có quyền. Bộ NN&PTNT như tôi hình dung là một anh đầu bếp không được đi chợ, người ta mua về thứ gì thì anh phải dùng thứ ấy, mà còn bắt nấu được bữa ăn ngon. Thế thì sao mà làm được. Tôi cho rằng giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT có những chồng chéo. Nguồn lực chính để làm nông nghiệp là đất đai thì Bộ NN&PTNT lại không được quản lý. Trong khi có những việc, Bộ NN&PTNT được giao lại không phải của mình. Chẳng hạn, phòng chống thiên tai, bão lụt là nhiệm vụ của Bộ TN&MT chứ?.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên