Bảo vệ Hổ - Muộn còn hơn không

Bảo tồn hổ không có nơi nào tốt hơn là trong chính thiên nhiên hoang dã, nơi nó tự do sinh hoạt, kiếm mồi và sinh sản.

Những câu chuyện về Ông Ba mươi về làng trong ngày cuối cùng của một năm giờ chỉ còn là dĩ vãng. Câu thơ “đêm đêm mường Hịch cọp trêu người” cũng mãi mãi ở trong thơ mà thôi.

Thực tế, cách đây vài chục năm trên các vùng núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên người ta vẫn nghe thấy tiếng hổ gầm. Và chuyện hổ về làng chẳng là chuỵện lạ. Hổ ở Việt Nam chủ yếu loại hổ Đông Dương, to lớn và hung dữ. Vậy mà giờ đây, theo thống kê của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã Thế giới (WWF) thì ở Việt Nam chỉ còn khoảng chưa đến 50 cá thể đang tồn tại trong tự nhiên. Người ta cho rằng, tại Việt Nam hổ còn tồn tại ở vùng rừng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Dải Trường Sơn, Pù Mát, Vũ Quang…

Vùng núi phía bắc, nơi trước đây có hổ sinh sống đã bị mất tên trên bản đồ phân vùng có hổ sinh sống. Tuy vậy, dù có rất nhiều cố gắng nhưng từ nhiều năm lại đây chưa có ai phát hiện ra dấu tích của hổ hoặc chụp được ảnh hổ ở rừng Việt Nam. Trên thế giới số phận của hổ cũng đang rất nguy cấp. Ba trong số 9 loài hổ chính của thế giới: Hổ Bali, hổ Caspian và hổ Java hiện đã bị xóa số. Chỉ còn lại hổ Bengal, Amur, Indo- Chinese, Sumatran và hổ Malayan còn tồn tại nhưng số lượng rất hạn chế. Một số tài liệu thống kê, thì hiện nay, trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống sót và sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, môi trường sống bị phá hủy và sự biến đổi khí hậu.

(Ảnh: WWF)

Hổ bị săn bắn để lấy da, móng vuốt vì da hổ và móng vuốt hổ vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ ở một số nước. Còn ở một số quốc gia (mà tiêu biểu là ở Trung quốc, Triểu Tiên và Việt Nam) thì người ta giết hổ để lấy xương vì xuơng hổ được xem là một vị thuốc quý có thể chữa khỏi nhiều bệnh tật. (Mặc dù chưa có một chứng minh khoa học nào về tác dụng của cao hổ với sức khỏe con người)

Việc phá rừng, biến rừng thành đất nông nghiệp, xây dựng nhà cửa, đường xá cũng khiến cho loài hổ không còn nơi sinh sống. Thậm chí, loài người còn giết loài hổ để tránh bị chúng tấn công, vì con người ngày nay đã mở rộng diện tích canh tác của mình lên cả những vùng đất vốn thuộc “lãnh thổ” cư trú của loài hổ. Vì vậy, số cá thể của loài này bị suy giảm nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân không nhỏ. 70% môi trường sống của loài hổ Bengal ở rừng ngập mặn Sunderban có thể sẽ mất đi trong vòng 50 năm nữa vì mực nước biển dâng cao.

Cùng với thế giới, ngay từ năm 1963 Việt Nam đã có quy chế bảo vệ Hổ, nhưng do chiến tranh kéo dài cộng với tốc độ phá rừng tự nhiên và săn bắn, nên đến năm 2004, người ta dự đoán chỉ còn khoảng 150 cá thể hổ, và đến năm 2009 dự đoán Việt Nam còn khoảng 20 cá thể hổ. Người ta cũng dự báo 20 năm nữa sẽ hết hổ tự nhiên nếu tốc độ phá rừng và săn bắt không được ngăn chặn. Trước thực trạng này, năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định đưa ra sáng kiến bảo tồn hổ. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất WB đưa ra sáng kiến bảo vệ một loài.

TS Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn đa dạng sinh học (CRES) cho biết: Trong 15 năm tới, Việt Nam sẽ thực hiện 5 mục tiêu để bảo tồn hổ. Đó là: Phục hồi phục hồi được quần thể hổ ở các khu vực bảo tồn ưu tiên và các khu bảo tồn quan trọng. Tăng cường hơn nữa các hoạt động quản lý buôn bán động thực vật hoang dã ở các vùng bảo tồn hổ.

Quản lý được hoạt động nuôi sinh sản theo hướng hỗ trợ các hoạt động bảo tồn hổ ngoài tự nhiên. Quản lý một cách hiệu quả hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã và buôn bán hổ, trong đó tăng mức hình phạt đối với các hoạt động buôn bán, săn bắt hổ; đưa việc quảng cáo các sản phẩn có dán nhãn chế phẩm từ hổ động vật nguy cấp vào mục cấm và phạt tiền; xây dựng quy chế hợp tác- quản lý liên biên giới về buôn bán hổ. Xây dựng được hệ thống giám sát hiệu quả quần thể hổ ngoài tự nhiên, đặc biệt ở các vùng bảo tồn ưu tiên trong đó ưu tiên tiến hành các hoạt động điều tra về quần thể hổ còn lại ở Việt Nam, đánh giá và xác định các vùng bảo tồn quan trọng. Dần thay đổi được thói quen và truyền thống sử dụng các chế phẩm từ hổ.

Tổ chức WWF cho rằng: Năm 2010- Năm Dần (Hổ) sẽ là thời điểm tốt nhất để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động hỗ trợ để bảo tồn hổ tại vùng lưu vực Mekong. WWF đưa ra chiến lược là: Để bảo tồn hổ thành công, cần có sự tiếp cận theo 2 hướng: Ngăn chặn hoạt động buôn bán hổ vì đó là động cơ chính ráo riết săn bắn hổ trái phép; Kiến tạo vùng sinh cảnh bảo tồn rộng kết nối các khu bảo vệ có quần thể hổ phân bố để tạo hành lang giao lưu giữa các quần thể hổ với nhau. Và hai nhiệm vụ chính là: Tăng cường năng lực để giám sát đa dạng sinh học và bảo vệ sinh cảnh sống; Thiết lập chương trình điều tra, giám sát hổ và thú mồi của hổ.

Tuy nhiên, đến nay các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã vẫn chưa thống nhất quan điểm nên bảo tồn hổ tại chỗ hay nuôi nhốt sinh sản. Thực tế vụ hổ xổng chuồng ở Bình Dương năm 2009 cho thấy việc nuôi nhốt hổ lợi chưa thấy đâu mà đã thấy… hậu họa, bởi hổ không phải là mèo. Có ý kiến cho rằng, việc bảo tồn loài hổ bằng cách nuôi nhốt hổ là con đường ngắn nhất dẫn đến việc tận diệt loài động vật từng được coi là Chúa Sơn Lâm này, bởi hổ đã bị nuôi nhốt thì không còn cơ hội trở lại tự nhiên, vì vậy bảo tồn hổ không có nơi nào tốt hơn chính là trong thiên nhiên hoang dã, nơi nó tự do sinh hoạt, kiếm mồi và sinh sản.

Và xin chớ quên rằng, hổ sống trong rừng là dấu hiệu của hệ sinh thái cân bằng và khỏe mạnh /. 

Mục tiêu của hoạt động bảo tồn hổ cho 10 năm tới ở Việt Nam

 Mục tiêu 1: phục hồi được quần thể hổ ở các khu vực bảo tồn ưu tiên và các khu bảo tồn quan trọng.

Mục tiêu 2: quản lý được hoạt động nuôi sinh sản theo hướng hỗ trợ các hoạt động bảo tồn hổ ngoài tự nhiên

Mục tiêu 3: quản lý một cách hiệu quản hoạt động buôn bán & săn bắt ĐTVHD và buôn bán hổ ở VN;

Mục tiêu 4: Xây dựng được thệ thống giám sát hiệu quả quần thể hổ ngoài tự nhiên, đặc biệt ở các vùng bảo tồn ưu tiên 

Mục tiêu 5: dần thay đổi được thói quen và truyền thống sử dụng các chế phẩm từ hổ. 

                                                                      Nguồn: Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên