Bé gái 7 tuổi đi cấp cứu, phổi trắng xóa vì xịt chống nắng
VOV.VN - Bé gái 7 tuổi nhập viện khẩn cấp sau khi dùng chai xịt chống nắng của mẹ xịt vào mặt, bác sỹ phát hiện cả hai lá phổi của bé gần như đã trắng xóa.
Mới đây, một bé gái 7 tuổi tên là Hàm Hàm ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) phải nhập viện khẩn cấp sau khi hít phải sản phẩm xịt chống nắng.
Theo truyền thông địa phương, khi đi chơi ngoài trời, thấy trời nắng, mẹ của Hàm Hàm yêu cầu con gái dùng xịt chống nắng để bảo vệ làn da. Nghe vậy, Hàm Hàm lấy chai xịt chống nắng của mẹ và xịt vài lần lên mặt. Không lâu sau, bé bắt đầu ho dữ dội và nôn ra bữa sáng. Thấy con gái có triệu chứng lạ, cha mẹ bé đã nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Trong khi khám cho Hàm Hàm, bác sỹ Trần Quốc Khánh ở khoa Nhi Bệnh viện Chiết Giang phát hiện, phim X-quang phổi của bé gái có nhiều đốm mờ lớn ở cả hai phổi, gần như trở thành "phổi trắng". Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, lượng bạch cầu tăng cao nhưng protein C phản ứng bình thường.
Bác sỹ Trần nhận định, đây là biểu hiện điền hình của chứng viêm phổi dị ứng cấp tính do hít phải xịt chống nắng. Ông cảnh báo: "Bệnh thường tiến triển nhanh và nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp và đe dọa tính mạng".
Ngay lập tức, bác sỹ cho Hàm Hàm thở ôxy và theo dõi tim mạch. Sau khi xác định nguyên nhân và loại trừ các chống chỉ định, bác sỹ quyết định điều trị bằng hormone. Nhờ can thiệp kịp thời, tình trạng của Hàm Hàm đã cải thiện nhanh chóng. Sau 48 giờ, các triệu chứng ho và khó thở đã hoàn toàn biến mất.
Bác sĩ Chu Cầm, chuyên khoa Nhi khuyến cáo, không nên cho trẻ em sử dụng xịt chống nắng, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ có cơ địa dị ứng. Bà giải thích: "Nếu xịt trực tiếp lên đầu hoặc mặt, trẻ có thể vô tình hít phải các giọt chất lỏng chứa chất chống nắng, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và các thành phần mỹ phẩm khác, gây ra rủi ro sức khỏe. Đặc biệt, trẻ bị viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ cao bị kích thích ho dữ dội hoặc lên cơn hen".
Bác sĩ Chu nhấn mạnh, không nên sử dụng xịt chống nắng trong không gian kín như ô tô đóng kín cửa. Bà khuyên nên giữ khoảng cách ít nhất 15-20 cm khi xịt và nên xịt vào tay rồi thoa lên mặt và cổ thay vì xịt trực tiếp.
Cuối cùng, bác sĩ Châu lưu ý, nếu xuất hiện các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở sau khi sử dụng xịt chống nắng, nên đi khám ngay và thông báo với bác sĩ về việc đã sử dụng sản phẩm này để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Câu chuyện này là một lời cảnh tỉnh về nguy cơ tiềm ẩn của các sản phẩm quen thuộc hàng ngày, đặc biệt khi sử dụng cho trẻ em. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thận trọng khi áp dụng bất kỳ sản phẩm nào cho trẻ.