Bệnh nhân mắc tay chân miệng tăng
Tuần qua, cả nước ghi nhận 2.085 trường hợp mắc tay chân miệng tại 45 địa phương, trong đó có 1 trường hợp tử vong là bé gái 3 tuổi ở Hà Nội.
- Hà Nội: Không để bệnh tay chân miệng lan rộng
- Hà Nội: 6 trẻ mẫu giáo bị bệnh tay chân miệng
- Hà Nội: 1 bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng
Đây là thông tin được đưa ra tại Báo cáo giám sát của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur ngày 26/9 về diễn biến dịch tuần từ 22-25/9.
Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước ghi nhận 57.055 trường hợp mắc tay chân miệng tại 61 địa phương, với hơn 100 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực phía Nam là: TP HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, Bình Dương, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng. Cả 04 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.273 trường hợp mắc, 1 tử vong.
26/28 tỉnh/thành phố; 206/300 quận huyện và 1.496/4.751 xã thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 2.132 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.
Về trường hợp tử vong đầu tiên do tay chân miệng ở Hà Nội vừa qua, Bộ Y tế vẫn chưa xác định rõ nguồn lây, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với EV71. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành lấy 12 mẫu bệnh phẩm ngoáy họng của người nhà bệnh, cô giáo nơi bệnh nhi tử vong gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm và hiện chưa có kết quả.
Dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc, tử vong vì những nguyên nhân sau: Bệnh tay chân miệng lây truyền do virus đường ruột, chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.
Trong 10 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 26, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm.
Theo TS Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Cục Y tế dự phòng đề xuất triển khai một số hoạt động. Đó là: giám sát việc triển khai thực hiện Công điện số 1439/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của type virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus./.