Bệnh từ ở miệng mà vào…
Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chọn lựa thực phẩm tươi sống, an toàn cho gia đình…
“Bệnh từ ở miệng mà vào; Họa từ ở miệng ào ào tuôn ra…” Đó là lời dịch dân dã câu nói Hán Việt mà ông cha thường nói: “Bệnh tòng khẩu nhập, Họa tòng khẩu xuất”. Ý nghĩa ở đây ai cũng hiểu: Bệnh tật của con người ta phần nhiều là do ăn uống (vào miệng). Và không ít người gặp họa bởi lời ăn tiếng nói (từ miệng ra). Ở đây chỉ xin nói đôi lời về cái sự ăn.
Những ngày gần đây, liên quan đến thực phẩm liên tục có những thông tin giật mình: nào là mực ươn thiu qua ngâm hóa chất biến thành mực tươi sống, nào là phát hiện 1,5 tấn “pín dê” nhiễm khuẩn… Và gần đây nhất, ngày 15/7, Phòng Thú y quận Bình Tân và quận 7 thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trên 17 tấn hàng đông lạnh gồm các sản phẩm: Giò lợn, sườn lợn, xúc xích quá hạn sử dụng được lưu trữ tại kho lạnh 18-20 An Lạc, thuộc khu công nghiệp Tân Tạo mới và 21 tấn hàng thịt lợn đông lạnh quá hạn sử dụng ở Kho cảng rau quả quận 7. Theo lãnh đạo Phòng Thú y quận Bình Tân, trên các thùng hàng nhập khẩu có niêm yết ngày sản xuất là 23/4/2008 và thời hạn sử dụng đến ngày 23/4/2009. Tuy nhiên, khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một nhãn mới được doanh nghiệp dán đè lên với hạn sử dụng kéo dài đến ngày 23/4/2010.
Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng luôn cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm, về nguy cơ lây lan dịch bệnh tiêu chảy cấp, vậy mà các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vẫn ngang nhiên lưu hành các vật phẩm nhiễm khuẩn, có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng!
Trong khoảng dăm năm trở lại đây, nhiều bệnh tật của con người được phát hiện, đặc biệt là những bệnh có biểu hiện dị tật, đột biến gen như tỷ lệ ung thư tăng, các loại u, bướu kỳ dị xuất hiện. Điều này một mặt chứng tỏ khoa học hiện đại phát triển, có thể phát hiện ra những bệnh tật mà trước đây chưa thấy. Nhưng mặt khác, phải chăng đó cũng là hiện tượng đáng báo động của việc sử dụng các nguồn thực phẩm thiếu an toàn?
Những vụ việc được phát hiện như vậy cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, khi mà có thể còn nhiều hơn vụ việc khác chưa được phát hiện ra. Thậm chí, có những thực phẩm được chấp nhận, tin tưởng và lưu hành rộng rãi, nhưng vẫn chứa trong lòng những mối nguy hại khác như chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.v.v…
Dân gian còn có câu: “Thà ăn muối còn hơn chuối chết” (cá chuối- cá quả). Ý nói đến việc ăn cơm với muối (lành mạnh) còn hơn ăn cơm với thịt cá mà không tươi sống. Vậy, mỗi người dân hãy là những nhà tiêu dùng thông thái, lựa chọn cho mình những sản phẩm tươi lành, bảo đảm an toàn vệ sinh cho chính cuộc sống của mình và gia đình. Đồng thời, các nhà kinh doanh hãy nêu cao đạo đức kinh doanh, biết nói “không” với việc thu nguồn lợi từ việc kinh doanh những mặt hàng có thể ảnh hưởng tới người tiêu dùng!/.